Posted by: bsngoc | 22/05/2011

Đại dịch PGS-TS-BS

Entry này có một tựa đề hơi bí hiểm. Nhưng những ai làm trong nghề y đều biết đó là viết tắt của Phó giáo sư – Tiến sĩ – Bác sĩ. Chỉ có ở nước Nam. Chỉ có ở nước Nam dưới thời XHCN. Nó là biểu hiện của căn bệnh mới phát sinh trong ngành y. Đó là bệnh hám danh. Bệnh hám danh đang làm tan nát hệ thống y khoa và đang biến hóa thành một đại dịch nguy hiểm cho người bệnh.

Có mấy ai còn nhớ đến thầy Phạm Biểu Tâm, thầy Trần Ngọc Ninh? Thầy Phạm Biểu Tâm có sống lại bây giờ không thể là hiệu trưởng trường y. Thầy Trần Ngọc Ninh có ở Việt Nam giờ này cũng không bao giờ thành khoa trưởng, chứ nói gì đến chức danh giáo sư. Cả hai thầy đều không có bằng tiến sĩ. Cái bằng tiến sĩ ngày nay ở đất nước này là một cái bùa hộ mệnh. Nó cũng là cái vé xe cho những chuyến xe đò thăng quan tiến chức. Nó là cái boarding pass cho những phi vụ làm trưởng khoa, làm hiệu trưởng trường y. Đó là luật chơi mới do những người cách mạng đặt ra. Người cách mạng không nhất thiết phải là người trong y giới, cũng chẳng cần làm khoa học. Nhưng họ có giá trị hơn nhà khoa học. Bài giảng của người cách mạng có giá hơn bài giảng của giáo sư tiến sĩ. Ở đất nước này, chính trị thống lĩnh tất cả. Làm cách mạng là làm chính trị. Bởi vậy, người cách mạng chẳng cần phải có tấm bằng bác sĩ để đặt ra luật chơi mới cho ngành y. Họ đang hủy hoại nền y học.

Tuần rồi đi dự một hội thảo chuyên đề và gặp một anh bạn đồng môn trên bàn cà phê. “Ủa, ông chưa tiến sĩ hả? Sao không làm một cái”? Anh bạn tôi hỏi. Tôi ngạc nhiên về chuyện làm một cái. Tiến sĩ là một cái gì như đồ chơi. Tôi lắc đầu. Mình đã già. Mình không có khả năng làm nghiên cứu. Cũng chẳng có thầy đỡ đầu. Anh bạn tôi cười lớn nói: Ông mà già gì, đâu cần khả năng làm nghiên cứu, cũng không cần thầy hướng dẫn, chỉ cần bỏ tiền ra mua thôi. Tôi cám ơn tấm lòng của bạn cũ và vẫn thấy mình vui với việc giúp người mà không có những râu ria trước tên mình. Bạn cũ tôi bây giờ là một PGS-TS-BS.

TS-BS bây giờ nhan nhản trong các bệnh viện. Thử dạo một vòng các phòng trong bệnh viện ngoài Hà Nội, sẽ thấy trước cửa phòng ai cũng có danh xưng TS-BS in ngay chính giữa cửa phòng. Bảng hiệu đó cho chúng ta biết người đang ngự trị hoặc chiếm lĩnh căn phòng là một bác sĩ và có bằng tiến sĩ. Bằng tiến sĩ là học vị cao nhất trong thế giới khoa bảng. Tôi không có con số thống kê để nói, nhưng tôi cảm thấy số bác sĩ có danh hiệu TS-BS nhiều hơn bác sĩ trong các bệnh viện Hà Nội. Sài Gòn đang đuổi theo Hà Nội, sắp đến đích nay mai. Với đà này, một ngày không xa bệnh nhân sẽ không còn gặp bác sĩ nữa, họ chỉ gặp TS-BS.

PGS-TS-BS xuất hiện ngày càng dày đặt trong các hội thảo. Nhìn lên bàn chủ tọa chúng ta thấy gì? Có hoa tươi. Có chai nước lọc. Có laptop. Có microphone. Và, có tấm bảng nền trắng chữ đen in những từ viết tắt như PGS-TS-BS. Hoa tươi để làm màu mè. Chai nước lọc vì trí thức không quen uống nước máy sợ nhiễm khuẩn. Laptop để nói rằng ta đây có trình độ IT. Microphone để truyền bá lời vàng ý ngọc. Danh hiệu PGS-TS-BS để khoe thành tựu miệt mài làm khoa học. Một bức tranh đầy hoa sắc, màu mè. Có phần phần cứng (IT, microphone) lẫn phần mềm (hoa, trí lực, bằng cấp).

Danh và thực lúc nào cũng là hai khía cạnh nhức nhối trong y giới. Bao nhiêu tiến sĩ của nước ta là do thực tài, bao nhiêu là giả, dỏm. Không ai biết được, nhưng xã hội biết. Xã hội đã từ lâu phong danh tước “tiến sĩ giấy” cho những kẻ bất tài, hám danh, mua quan bán tước. Cụm từ “Tiến sĩ giấy” ngày càng xuất hiện nhiều trên báo chí, trong những câu chuyện thường ngày. Tức là xã hội biết rằng ngày nay chúng ta có nhiều tiến sĩ dỏm hơn là tiến sĩ thực.

Dỏm có nghĩa là những bằng cấp được mua bán, tiền trao cháo múc. Anh bạn tôi vừa đề cập trên đây không ngần ngại nói rằng để có cái bằng tiến sĩ, anh phải chi ra nhiều tiền. Hỏi bao nhiêu, anh chỉ cười. Nhưng xã hội biết. Những cái giá 5.000 USD, 10.000 USD, 20.000 USD đã được đề cập đến. 100 triệu đồng. 200 trăm triệu đồng. 400 triệu đồng. Có khi 500 triệu. Có nhiều lò sản xuất văn bằng tiến sĩ và mỗi lò có biểu giá riêng. Quân y nổi tiếng là một trong những lò đào tạo đắt tiền. Các trường y thì rẻ hơn nhưng không rẻ bao nhiêu. Nhiều đồng nghiệp tôi mua bằng như thế. Đó là những con số chóng mặt cho bệnh nhân nghèo. Ai trả tiền? Xin thưa không phải bác sĩ, mà là bệnh nhân. Họ sẽ ăn tiền các hãng dược. Hãng dược nâng giá thuốc. Bệnh nhân là người cuối cùng trong vòng tròn này. Bệnh nhân lãnh đủ. Vì thế, mua bán bằng cấp là một trong những yếu tố làm cho giá thuốc cao đến mức “cắt cổ” như ở nước ta.

Những kẻ hám danh và bất tài xem chuyện mua bằng tiến sĩ là một đầu tư. Họ có thể chi ra vài trăm triệu hôm nay, nhưng nay mai thì sẽ được chức quyền. Trường khoa. Giám đốc bệnh viện. Hiệu trưởng. Tất cả đều mua, đều chạy. Một khi đã ngồi vào vị trí quyền lực, họ ra sức vơ vét tiền của người dân để trả lại chi phí mua bằng, mua chức vụ. Người dân cũng chính là đối tượng sau cùng trong đường dây này. Đừng trách tại sao dân mình nghèo vẫn hoàn nghèo. Cái cơ chế này làm cho họ nghèo. Đã nghèo thì thường chịu phận hèn. Cái cơ chế này làm cho người dân vừa nghèo và vừa hèn.

Dỏm có nghĩa là làm nghiên cứu ma, giả tạo số liệu. Báo chí đã nêu nhiều vấn đề đạo văn. Nhưng báo chí không hề biết những chuyện động trời hơn đạo văn. Đó là chuyện giả tạo số liệu. Những tiến sĩ dỏm chẳng bao giờ làm nghiên cứu cho tốn công. Họ chỉ ngồi đâu đó giả tạo ra số liệu. Có người làm nghiên cứu nghiêm túc, nhưng khi kết quả không đúng ý, họ sửa số liệu. Chẳng ai hay biết. Thầy cô hướng dẫn chỉ là những người mù vì bất tài, hoặc giả mù vì họ đã ăn tiền. Giả tạo số liệu xong, họ mướn một người nào đó làm phân tích thống kê. Giá phân tích cũng không rẻ chút nào, từ 500 USD đến 2000 USD. Có cậu nọ nay làm chức cao trong trường y từng làm phân tích mướn như thế. Chẳng cần biết đúng sai vì chính người làm mướn cũng mù mờ mà cũng chẳng quan tâm. Phân tích xong, họ mướn người viết luận án. Giá viết cũng từ 500 USD đến 2000 USD. Người viết chỉ cần có bằng cử nhân cũng viết được. “Viết” ở đây có nghĩa là cắt và dán. Hỏi google, dịch, cắt, dán. Vâng, luận án là dịch-cắt-dán. Thế là xong luận án. Thầy dỏm thì làm sao biết được đó là luận án thật hay dỏm. Có thể nói rằng đại đa số những nghiên cứu khoa học ở nước ta hiện nay đều làm theo quy trình như thế. Không có đạo đức khoa học. Không có tinh thần khoa học. Đừng nói đến văn hóa khoa học. Đọc những lời tâm huyết có khi mang tính hô hào của Gs Tuấn về nghiên cứu khoa học mà tôi thấy tội nghiệp cho ông. Ông đâu biết rằng ở trong nước người ta đâu có quan tâm đến nghiên cứu, những lời ông nói ra chỉ là nước đổ đầu vịt mà thôi, chẳng ai nghe đâu.

Dỏm có nghĩa là làm nghiên cứu chất lượng còn thấp hơn luận văn cử nhân của các thầy trước 1975. Nếu có dịp đọc những luận án tiến sĩ của các bác sĩ, người có kiến thức không biết nên cười hay nên khóc. Cười vì những đề tài nghiên cứu như là đề tài của sinh viên học làm nghiên cứu. Khóc vì trình độ thấp đến mức thê thảm. Những đề tài nghiên cứu kinh điển mà thế giới đã làm từ ngày tôi còn ngồi trong trường y cũng được biến hóa thành đề tài tiến sĩ. Có đề tài đánh giá phẫu thuật nội soi mà người đánh giá cũng chính là người thực hiện. Không có cái gì là mới. Không có cái gì để gọi là khoa học. Số liệu đã giả thì làm sao có kết quả thật được. Bản thân thầy hướng dẫn chẳng hiểu tường tận vấn đề thì làm sao có được đề tài mới. Họ để cho trò tự “bơi”. Bơi bằng cách lên mạng, xem người ta ở ngoài làm gì rồi cố gắng làm giống như thế ở Việt Nam. Đại đa số bắt chước mà vẫn còn sai. Sai vì không hiểu vấn đề đến nơi đến chốn. Không có sáng tạo thì làm sao gọi là tiến sĩ được. Cả một nền học thuật chỉ bắt chước mà cho ra lò cả ngàn tiến sĩ mỗi năm. Đó là một nền học thuật ăn theo, dỏm.

Còn luận án thì thế nào? Cũng công thức nhập đề – thân bài – kết luận như ai. Nhưng đọc kỹ thì không khỏi phì cười. Phần nhập đề thí sinh hay nói đúng hơn là người viết mướn tha hồ dịch-cắt-dán từ các nguồn trên internet, có khi đem cả kiến thức từ sách giáo khoa thế kỷ 19, những mớ thông tin chẳng liên quan gì đến đề tài. Dân gian có câu “nói dai, nói dài, nói dở” thật là thích hợp cho luận án tiến sĩ. Phần phương pháp thì chẳng có gì để đọc, vì họ chủ yếu là ngụy tạo. Ngụy tạo số liệu thì làm sao dám viết chi tiết phương pháp được. Vả lại, người viết mướn cũng đâu có trình độ chuyên môn để đi chuyên sâu vào phương pháp. Đến phần kết quả là khôi hài nhất. Một chuỗi bảng số liệu. Một chuỗi đồ thị. Điều khôi hài là đồ thị làm từ bảng số liệu. Hai cách trình bày một thông tin! Chưa hết, thí sinh còn bồi thêm câu diễn giải dưới bảng số hay đồ thị. Tức là 3 cách trình bày chỉ nói lên một thông tin. Người ta cần số trang sao cho đủ nên phải làm như thế. Thừa thải? Không thành vấn đề. Vấn đề là làm cho đủ số trang theo quy định của Bộ. Sai sót? Đây đâu phải là công trình khoa học mà quan tâm đến sai sót. Đến phần bàn luận là một tràng từ ngữ bay múa, những ý tưởng hỗn độn, chẳng đâu vào đâu. Những gì Gs Tuấn chỉ cách viết bài báo khoa học không áp dụng ở đây. Không cần đến logic luận. Nó y như là cái thùng lẩu thập cẩm. Có lẽ vài bạn đọc chưa quen sẽ nói tôi cường điệu hóa vấn đề. Các bạn hãy vào thư viện trường y mà đọc xem các luận án tiến sĩ có xứng đáng cái danh xưng cao quý đó hay không. Người ta xem đó là những “luận án tiến sĩ” có mã số, có bìa đỏ, được lưu giữ cẩn thận. Nhưng tôi xem đó là những chứng cứ hùng hồn nhất cho một thời đại nhiễu nhương trong học thuật. Những kẻ đã, đang và sẽ có bằng tiến sĩ từ những cách học dỏm đó sẽ đi vào lịch sử nước nhà như là những tiến sĩ giấy, những con vi khuẩn làm ô uế nền học thuật nước nhà.

Dỏm có nghĩa là người thầy hướng dẫn cũng dỏm. Sự suy thoái của giáo dục y khoa là một chu kỳ bắt đầu từ người thầy. Sự suy đồi của người thầy bắt đầu từ những ông quan cách mạng. Dưới mắt của quan cách mạng, hồng quan trọng hơn chuyên, đảng viên quan trọng hơn người ngoài đảng. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên sau 1975 có những vị mang danh “giáo sư” mà kiến thức còn thua cả bác sĩ gia đình, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy có “giáo sư” đi tuyên truyền cho xuyên tâm liên trị bá bệnh, bo bo bổ dưỡng hơn gạo. Ngày nay, kẻ bất tài nhưng có đảng tịch thì vẫn được cất nhắc làm thầy, được “tạo điều kiện” làm tiến sĩ. Có người được “cơ cấu” (một danh từ mới) chức trưởng khoa, giám đốc bệnh viện rồi, “tổ chức” (cũng là một từ mới) sẽ tìm cho họ cái bằng tiến sĩ. Bằng tiếng sĩ vừa là phương tiện, vừa là cứu cánh trong cái nền học thuật nhếch nhác hiện nay. Bằng tiến sĩ nó tầm thường đến nỗi người ta nhạo báng ra đường gặp tiến sĩ. Nó rẻ tiền vì chúng ta biết rằng bằng tiến sĩ của Việt Nam chỉ là bằng dỏm, không bao giờ xứng đáng với danh vị đó. Không dỏm thì cái bằng đó cũng chỉ là thứ được cấu thành từ những giả tạo, những “nghiên cứu” loại rác rưởi khoa học, những dữ liệu có được từ vi phạm y đức. Bằng tiến sĩ của Việt Nam chỉ là thứ rác rưởi trong thế giới học thuật ngay chính trên đất nước Việt Nam. Thế là chúng ta có thầy dỏm. Thầy dỏm đào tạo ra trò dỏm. Trò dỏm đào tạo tiếp trò dỏm. Sẽ không lâu chúng ta sẽ có nhiều thế hệ tiến sĩ dỏm, giáo sư dỏm. Và chúng ta sẽ phải trả giá cho những cái dỏm đó. Thực ra, bệnh nhân đang trả giá cho cái dỏm.

Cái giá mà bệnh nhân phải trả cho hệ thống y khoa hám danh này là cái chết. Nhiệm vụ của người bác sĩ lâm sàng trước hết là chữa trị bệnh nhân. Nhiệm vụ đó đòi hỏi kỹ năng lâm sàng tốt. Ngoài ra, còn có sự cảm thông, chia sẻ với bệnh nhân. Nhưng bác sĩ hám danh ngày nay chỉ chạy theo bằng cấp dỏm, làm nghiên cứu dỏm, gây tác hại cho bệnh nhân. Họ không trao dồi kỹ năng lâm sàng. Họ không có thì giờ để đọc sách. Họ thừa thì giờ đi nhậu để làm “ngoại giao”. Thiếu kiến thức lâm sàng. Chẩn đoán sai. Làm xét nghiệm không cần thiết. Đối diện với bệnh nhân thì chỉ hách dịch ra lệnh chứ không biết nói. Hậu quả là chẩn đoán sai, điều trị sai, bệnh nhân chết. Nếu còn sống thì gặp biến chứng, hoặc thương tật suốt đời. Dỏm trong các ngành khác như khoa học xã hội thì có thể không gây tác hại nguy hiểm, nhưng dỏm trong y khoa thì hậu quả khôn lường. Rất tiếc là các quan cách mạng không nhìn thấy hay không nhìn thấy điều hiển nhiên đó để cho sự hám danh và dỏm lên ngôi. Họ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử nước nhà.

Bệnh hám danh trong y giới ngày nay đã trở thành đại dịch. Có lần trong một hội thảo chuyên môn, một anh kia tên là D, học y trước 1975 nhưng ra trường sau 1975, thuộc thành phần răng đen mã tấu – “cách mạng 75” như người Sài Gòn vẫn nói, được người ta giới thiệu anh ta là TS, nhưng khi anh ta lên bục giảng câu đầu tiên anh ta nói là chỉnh người giới thiệu, rằng chức danh của anh ta bây giờ là PGS. Chính xác hơn là PGS-TS-BS. Cả hội trường có phần sững sờ trước sự khoe khoang hợm hĩnh. Tôi cũng ngạc nhiên khi biết anh ta có bằng tiến sĩ và càng sững sờ khi biết anh ta là PGS. Hỏi đồng nghiệp làm cùng bệnh viện với anh ta, ai cũng cười. Nghiên cứu là con số 0. Lâm sàng? Đã có nhiều bệnh nhân thành nạn nhân của anh ta. Thế là biết. Tất cả chỉ là mua bán. Thế mới biết cái cơ chế có khả năng nhào nặn một con người có tư cách thành một kẻ háu danh hợm hĩnh. Và chỉ trong một thời gian ngắn. Nhưng trường hợp của anh D chỉ là một hạt cát trong sa mạc y giới. Ngày nay có hàng chục ngàn người như thế. Nó đã thành một đại dịch. Dịch hám danh. Dịch hám bằng cấp. Đại dịch hám danh và hám bằng cấp còn nguy hiểm đến bệnh nhân hơn các đại dịch H1N1 nhiều.

Đại dịch hám danh không chỉ trong y giới mà còn lan tràn ra các địa hạt khác ngoài xã hội. Ai cũng cố gắng tạo cho mình một cái danh xưng trước tên. Ngày nào xã hội biết đến bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ, thạc sĩ, giáo sư … nhưng ngày nay người ta còn gắn CN và Master trước tên mình. CN là cử nhân. Master là cao học. Chưa bao giờ tôi thấy một sự háu danh quái đản như hiện nay. Trong y giới, người ta còn gắn thêm TS-BS, hoặc PGS-TS-BS. Nếu có danh xưng gì khác như thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú, người ta cũng gắn vào luôn. Nếu một người nông dân không có bằng cử nhân thì họ được gọi là gì. Không là gì cả. Do đó, đại dịch dịch hám danh nó phân chia xã hội thành những người có và những người không có. Nó dẫn đến nạn kỳ thị. Kẻ có danh xem thường người không có danh. Vì thế người ta phải chạy theo danh, phải mua danh bán tước. Đại dịch hám danh tạo ra một thị trường mua bán tước danh, bằng cấp. Từ cấp trung ương đến địa phương, hiện tượng mua bán bằng cấp xảy ra hàng ngày. Mua bán tước danh và bằng cấp là hành động xem thường kỷ cương phép tắt trong học thuật. Vì thế dịch hám danh không chỉ làm phân hóa, kỳ thị xã hội, mà còn làm hủy hoại nền học thuật quốc gia.

Sau khi gặp bạn tôi gặp trong hội thảo tuần qua làm tôi có cảm hứng viết entry này tôi lên taxi về nhà. Trên đường về nhà bị kẹt xe, anh tài xế phải vất vả nhích từng cm. Mưa càng lúc càng nặng hạt. Đường xá ngập nước như trong cơn bão lụt. Ngay giữa thành phố có thời mang danh Hòn ngọc viễn đông. Anh tài xế cùng độ tuổi tôi lắc đầu ngao ngán. Anh nhìn tôi ái ngại vì quá trễ giờ. Chúng tôi nói chuyện đời. Anh chỉ vào con đường ngập nước và nói họ đang phá nát thành phố này. Tôi đồng ý. Nhưng tôi muốn thêm rằng họ cũng đang hủy hoại nền học thuật nước nhà bằng cách tạo ra một đại dịch PGS-TS-BS.


Responses

  1. Tôi làm trong ngành GD. Đại dịch này trong ngành GD cũng không ít hơn, và tác hại của nó theo tôi hiểu còn tàn khốc hơn ngành y nhiều lần. Tiếc là tôi không viết được một entry để phân tích sâu sắc như bsngoc. Cảm ơn bsngoc vì bài viết.

    • Có lẽ là đại dịch trong học thuật chứ chẳng riêng gì ngành y. Buồn thật. Không thấy lối nào ra.

      • Quá đồng ý với bs Ngọc.Tôi đi dự 1 hội thảo ở Hà Nội.Khi biết tôi chỉ là 1 bác sĩ thường thì phần lớn đai biểu nhìn tôi giống như người ngoài hành tinh.Kể ra thì họ đúng vì hơn 90% đai biểu là TS,PGS. ! Té ra ở VN bác sĩ thường là cổ vật !

      • bài viết quá hay. Tôi làm việc trong ngành tái chế rác (recycle). Không biết tôi được phép tự phong là “Tiến sỉ tái chế” được không ạ!

      • Chúng tôi đã đọc bài của anh và rất tâm đắc. Chúng tôi cũng gửi anh 1 bài để tham khảo http://www.youtube.com/watch?v=dPb5HS0UE2U Với cách làm việc như vậy không biết bao nhiêu bệnh nhân mỗi ngày bị hại, lây nhiễm trong khi các bác sĩ nhởn nhơ để hám lợi riêng. mong anh lên tiếng

      • BS Ngọc viết bài này khi đọc rồi thì sao tôi dám đi kiếm bằng TS, ThS nữa ?

    • Bằng ‘đỏ’ và bằng giả – Phi Khanh/Người Việt
      Sau đợt bầu cử Hội Ðồng Nhân Dân ba cấp và bầu cử Quốc Hội lần thứ 13 vừa diễn ra tại Việt Nam hôm 22 tháng 5 vừa qua, điều mà người dân quan tâm nhất, có lẽ là những tấm bằng của các ứng cử viên.
      Có nhiều người hôm qua vẫn còn là một người mới xong hệ xóa mù chữ nhưng đùng một cái, họ có tên trong danh sách ứng cử viên với đủ thứ bằng đại học, trung cấp…

      Có rất nhiều tấm bằng như, bằng cao cấp chính trị, trung cấp chính trị, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ, học hàm giáo sư, phó giáo sư… Nhìn chung, mọi cái bằng không đủ làm cử tri tin tưởng cho mấy, nếu không nói là không có chút niềm tin nào.

      Vì sao? Có lẽ nên giải thích vấn đề này theo hai hướng: Những tấm bằng “đỏ” (nó có sự nhúng tay, can thiệp bởi thành tích phục vụ Ðảng Cộng Sản trong quá trình học tập, làm việc của cán bộ) và những tấm bằng giả.

      Những tấm bằng “đỏ” thì chuyện hiển nhiên trong chế độ này, không có gì để bàn, và cũng không cần nhắc đến chất lượng khoa học của nó. Bởi đơn giản, nó được xây dựng trên nền tảng “cống hiến” và phục vụ, nỗ lực phụng sự cho đảng phái một cách có đầu óc.

      Ðơn cử một ví dụ, một tiến sĩ dạy ngành lý luận chính trị tại Trung Tâm Lý Luận Chính Trị Quốc Gia Ðà Nẵng chỉ học hết lớp 10, sau đó học thẳng vào đại học và thẳng một lèo leo lên tiến sĩ vì ông có thành tích phục vụ chế độ cực kỳ tốt…

      Và cũng theo ông tiến sĩ này thì có rất nhiều đồng nghiệp của ông cũng có bằng cấp kiểu như ông. Thậm chí có người còn được nhà nước phong cho học hàm phó giáo sư, giáo sư…

      Ở những tấm bằng “đỏ” này, chí ít người cầm nó cũng có một quá trình có phấn đấu và có phục vụ.

      Nhưng, tỉ lệ cán bộ dùng bằng giả hiện nay có thể nói là chiếm con số tối đa. Cho dù trên danh nghĩa thì đó là bằng thật, bằng thi cử đường hoàng, có con dấu và mã số lưu của Sở Giáo Dục, Bộ Giáo Dục… Nhưng, nếu có ai cắc cớ, thử làm một bài test với một cán bộ có tấm bằng đại học hoặc trung cấp thì thấy ngay cái lỗ hổng kiến thức của họ.

      Một ông bí thư xã, trước đây học xong lớp 8, nghỉ học và tham gia chiến trường Campuchia, sau đó về quê làm chỉ huy vũ trang, dần dần bò lên đến chức trưởng công an xã, và rồi trong đợt bầu cử này, có tên trong danh sách ứng cử viên với hàng đống các bằng trung cấp, đại học. Trong khi đó chẳng ai biết ông học lúc nào, bởi suốt hai mươi mấy năm nay, ngày nào mà không thấy ông lượn lờ ở các quán cà phê, quán nhậu và cơ quan xã.

      Chạy bằng, khó hay dễ?

      Xin thưa là việc chạy bằng giả ở đây không khó chút nào. Mà có lẽ khắp Việt Nam đều giống hệt nhau điểm này. Nghĩa là, không có việc gì khó mà dùng tiền không giải quyết được, nếu dùng tiền vẫn không giải quyết được thì dùng đến thật nhiều tiền… Sẽ xong chuyện.

      Một thầy giáo tên Kh. từng dạy ở trường cấp III Nguyễn Duy Hiệu, Ðiện Bàn, Quảng Nam (một trường thuộc hàng xuất sắc của miền Trung bởi từng đào tạo ra nhiều môn sinh xuất sắc, nổi tiếng trong ngành khoa học như: Trần Văn Thọ, Nguyễn Chung Tú…), nay đang làm nghề nấu đám cưới và thi thoảng chạy một số bằng giả cho cán bộ.

      Ông này chạy bằng rất ngọt, với giá từ 15 đến 30 triệu đồng, ông có thể thổi cho một người đọc chưa vững 24 chữ cái thành một cử nhân hẳn hoi.

      Ông Kh. nói: “Tui mà lên các vùng miền Tây Quảng Nam thì tui được tiếp đãi như một ông vua, bởi lẽ, tui nắm nhiều bí mật về cán bộ trên đó nhất. Gần như 100% bằng đại học của tụi nó là do tui thổi. Chứ tụi nó ăn tro mò trấu thí mồ, đọc chữ còn chưa biết ngắt dòng, ngắt câu thì bằng với cấp quái gì!”

      Ngồi một chút, ông ve râu nói tiếp: “Chuyện bằng giả là chuyện rất hiển nhiên và rất tự nhiên ở Việt Nam, hãy thuộc công thức này: Có cán bộ, có bằng giả, có bằng giả, có cán bộ. Vậy đấy, nên chi tui lo chuyện bằng thật cho con tui mà phải chơi bằng giả. Thật ra, lúc này còn đói quá, tui phải làm đủ thứ để nuôi mấy đứa con ăn học. May mà con tui học giỏi, nghe đến chữ bằng cấp là tui thấy ớn tới cổ rồi!”

      Thường thì các trường bổ túc là cái lò chạy bằng giả hoàn hảo nhất. Có nhiều cách chạy: cán bộ bổ túc đứng ra lo liệu, cán bộ giáo dục liên kết với giáo viên bổ túc lo liệu, hoặc một người khéo léo, quen biết với Sở Giáo Dục, đặc biệt là thân với cán bộ phòng bổ túc của Sở Giáo Dục tỉnh thì lo việc này ngọt nhất. Thậm chí “danh chính ngôn thuận”!

      Ðơn cử trường hợp 3, ông Kh. nói: “Vụ này thì không cần liên kết với cán bộ bổ túc đâu, chỉ cần một người nhanh nhảu là làm ok à, khi có khách hàng (chỉ cán bộ) đến yêu cầu, việc đầu tiên là cho họ có bằng tốt nghiệp bổ túc cấp III cái đã, việc này thì tui phải có một bảng danh sách các học viên theo độ tuổi, khi cần, tôi sẽ cho tụi nó một ít tiền, bảo tụi nó đến rút học bạ về giao cho mình. Xem như mình mua hẳn học bạ.”

      “Xong, mình sẽ tẩy toàn bộ họ tên của người trong học bạ, thay vào đó tên của ông cán bộ, cái cần nhất của mình là bảng điểm, chữ ký giáo viên bộ môn và con dấu phê ‘được thi tốt nghiệp’, vì mấy cái học bạ không có con dấu giáp lai, thậm chí trước đây không có dán hình nữa kia, mà có dấu giáp lai cũng vậy thôi à, mình xiếc cái rẹt rồi nộp vào trong Sở Giáo Dục thi diện thí sinh tự do (nghĩa là diện rớt thi lại…),. Trong đó thì có nội gián của mình rồi. Ðương nhiên là cái bằng tốt nghiệp đó là thật rồi!”

      “Ðó chỉ là một chiêu nhỏ trong vô vàn chiêu thức làm bằng giả, và quan trọng nhất là nếu bây giờ mà họ thu bằng giả, thì cùng lắm mình đi ở tù, nhưng ai bắt mình nếu như gần 100% cán bộ đều bị dính bằng giả. Tôi cam đoan nếu như tố ra hết, sẽ chẳng còn mấy người để làm cán bộ quản lý dân. Vậy xem như huề. Họ bảo vệ tui không hết í chứ!”

      Bằng giả tốn bao nhiêu?

      Câu chuyện bằng giả trên đây chúng tôi moi được nhờ đóng giả một cò con đi kết nối với ông Kh. làm bằng giả cho một số cán bộ miền núi.

      Và chúng tôi còn được biết thêm một thông tin mới, bằng giả hiện nay không sợ giả nữa, có con dấu Bộ Giáo Dục hằn hoi, giá rất mềm, bằng trung cấp chỉ tốn 13 triệu đồng, bằng đại học tốn 25 triệu đồng. Ðương nhiên là những trường này dỏm, nếu trường xịn thì lên vài chục, vài trăm triệu. Nhưng cái mà cán bộ cần thì loại trường nào cũng được, miễn là có bằng.

      Thật ra, con số mười mấy triệu đồng, vài chục hay vài trăm triệu đồng để chạy một cái bằng giả và hưởng lương theo hệ số đến cuối đời thì không đắt đỏ chút nào. Nhưng cái giá của bằng giả thì quá đắt. Nó đắt bởi cả một hệ thống mù mờ, kiến thức lọ mọ, tham quyền cố vị và đánh mất lòng tự trọng, sự lũng đoạn của tri thức quốc gia.

      Mà đắt hơn cả là sự biến mất của lương tri giáo dục và đạo đức quốc gia, bởi lẽ, quốc gia có cường thịnh, có đạo đức, có tốt đẹp hay không, người ta thường tham chiếu ở bộ máy chính quyền. Một bộ máy chính quyền với hàng triệu cái bằng giả thì đất nước sẽ ra sao? Dân tộc sẽ đi về đâu? E rằng câu hỏi này đâm ra hóc búa?!

      • Người còn có giả (tác giả giả, liệt sĩ giả, thương binh giả,…) huống chi là bằng.

  2. Bài viết sâu sắc và đối với riêng cháu nó còn gây sốc nữa. Nhưng cháu tin rằng căn bệnh này đã và đang đầy rẫy trong xã hội chúng ta. Cảm ơn Bác sĩ.

    • Chế độ nào thì nền y tế, giáo dục đó. Lôgic hiển nhiên mà.

      • xin phép bác, tôi bỏ câu đầu vì … nặng quá.

  3. Bác nói thế nào ấy chứ! Vẫn có những PGS TS BS “đáng kính” như sư phụ em nè ^-^. Đề nghị ngành y nhà bác phát động phong trào viết nhật ký tự ca ngợi mình như ri, cho xã hôi bớt khinh bs.
    http://vnexpress.net/gl/ban-doc-viet/doi-song/2010/01/3ba17c72/?p=1#aComment

    • Nghe nói “sư phụ” bác là ngôi sao. Ý của bác cũng hay lắm đó. 🙂

    • BS Ngoc nên viết thêm một bài tự tán dương công đức, y thuật cao minh của bản thân cho công chúng được rõ. Bác phải noi gương PGS TS BS Nam như trong bài viết ấy: học lực thì kém cỏi từ hồi sinh viên, ai cũng biết. Tư cách thì … hê hê, cười thôi hổng nói. Nhưng háo danh thì nhất định không thua ai! Thế mới có trò vui viết nhật ký ca ngợi mình trên báo thế này.

      Đùa một tí thôi! Suy cho thấu đáo, vì dốt nát nên mới háo danh. Vì háo danh nên sẵn sàng che đậy sự kém cỏi của mình, một khi đã mua được một vài học hàm học vị. Bài học này là chung cho cả ngành y tế nước Nam, có riêng gì GS Hoài Nam đâu?

      Bái bai bác, tôi đi vay tiền mua cái hàm GS đây. Đời thế mà vui!

  4. Bac viet van chua du ve hien trang nganh y xu ta dau a. Tuy nhien, cung co ban cho ba xon thay duoc su rach nat cua con tau y te Viet nam.
    Bo truong y te cung TS day chu. Nhung lai la TS xa hoi! chan doi qua. !

  5. Những tấm bằng không che giấu được sự luồn cúi và hèn kém của bản thân ..

    • Xin phép bác tôi bỏ những chữ không cần thiết. Xin bác thông cảm.

  6. Kính BS Ngọc,
    Tôi là GS Việt Kiền tại Bỉ, đã hồi hương chuyên môn tôi là ngành mô phỏng, mô hình cấu trúc qua máy tính. Gần 20 năm lăng lộn tại VN tôi cũng rất đau đơn vì các cảnh bát nháo về bằng cấp, cái cảnh háo danh, có tổ chức thành hệ thống. Xin ông vào blog tôi để đọc các bài bút ký nay đã đến hồi 24!

    Thấy bài trên đây ông viết về ngành y, rất hay, có chia sẻ với tôi nhiều nhận xét xác đáng.
    Vậy qua thư xin phép ông khiêng bài về phổ biến trên blog tôi nhá? Blog tôi có nhiều nhà khoa học trẻ, phần lớn là học trò của tôi vào đọc.
    Xin cám ơn ông trước và xin chờ thư ông. Tôi cũng đang ở SG, nhưng hiện nay đi thăm con tại Bỉ… Hưng

    • Cám ơn GS chiếu cố. GS thấy được thì cứ đăng.

      • Chúng tôi đã đọc bài của anh và rất tâm đắc. Chúng tôi cũng gửi anh 1 bài để tham khảo http://www.youtube.com/watch?v=dPb5HS0UE2U Với cách làm việc như vậy không biết bao nhiêu bệnh nhân mỗi ngày bị hại, lây nhiễm trong khi các bác sĩ nhởn nhơ để hám lợi riêng. Tôi nghĩ trưởng khoa này là PGS BS TS cũng là 1 bệnh dịch trong đại dịch mà bác nêu lên.

  7. Bac viet the la chua du, con thieu mot nguyen nhan dan den tinh trang nay la do dan ta rat ua cai mac PGS TS, nen chi tim den ong nao co cai chuc danh nay de chua benh thoi, mot nguoi thay thuoc trong cai xh nay ma khong co bn den pk rieng cua minh kham thi lay gi ma an, cho nen anh em phai di mua lay cai bang, cung la ke muu sinh, em cung la mot bs, va em thay cac bs di hoc len TS nguyen nhan nay la nhieu hon,
    Thuc trang he thong y te cua ta con nhung van de dau long hon nhieu, dau long nhat co le la su vo trach nhiem trong quan ly, dan den vo van nhung pk tu nhan khong du tieu chuan moc len, co rat nhieu nhung con nguoi chua mot lan buoc chan toi cua truong y, tham chi chua hoc het cap ba nhung van kham chua benh nhu thuong, da gay bao dau kho benh tat cho con nguoi,

  8. Chao BS,

    BS viet rat hay. Cam on bs.

  9. BS NGỌC KÍNH MẾN! xin được viết lời cảm tạ chân thành và trân trọng nhất về tác giả của nhiều bài viết rất có giá trị tổng hợp trong cuộc sống và con người tại VN.Thật vui do tình cờ tìm được viên ngọc trong đá qua câu chữ mà BS chia sẻ cùng mọi độc giả mạng.Thành thật và ngưỡng mộ một tấm lòng cùng những sự hiểu biết rộng lớn nơi BSNGỌC.Phải có một trái tim và tâm hồn đẹp đúng nghĩa cùng sự can đảm vượt lên trên tất cả mọi sự sợ hãi (nếu có) nơi con người BSNGỌC mới viết ra được những bài viết vô cùng CON NGƯỜI.Bài viết của tác giả đã chắc chắn mang lại cho mọi độc giả nhiều kiến thức vô cùng hữu ích dù trong hay ngoài VN. Kính chúc BSNGỌC cùng mọi người thân yêu trong gia đình luôn được mạnh khỏe và hạnh phúc. Kính bút.

  10. Bài viết của Bs.Ngọc quả đúng vậy, Con cũng có đọc nhiều bài về các Bác Sĩ la mắng chửi rủa bệnh nhân khi khám v.v….! Thiết nghĩ điều này là ko đc phép. Nhưng thôi, nói ra thì cái gì cũng có, chả biết nói gì cho hết chuyện, nhưng Con cũng cảm ơn Bác Ngọc về bài viết này. Chào Bác!

  11. Cám ơn chia sẻ của bsngoc.
    Trước đây tôi có viết câu chuyện về “Bác sĩ Nghĩa”, là một “răng hô mã tấu” thứ thiệt. Nghĩa là một du kích, nhưng nhờ “liều” và may mắn, cộng thêm sự “nâng đỡ” của “ông nhà nước” nên dần dà trở thành bác sĩ sau 1975.
    Nghĩa người Vũng Liêm, Vĩnh Long.
    Tôi xin gởi cái link audio bài viết này để quý vị có thể nghe dễ dàng hơn.
    http://www.megaupload.com/?d=WP62SWGD
    Cám ơn
    Lê Minh

  12. Kính BS Ngoc,
    Tôi đồng ý và tán thưởng mọi điều Bs đã viết ra trong entry này. Có lẽ những gì mà Bs nêu ra không chỉ đúng cho ngành Y mà hầu như mọi ngành trong xã hội VN hiện nay. Có một điều tôi vẫn nghĩ chưa ra. Như mọi thứ bệnh dịch khác, môi trường truyền bệnh là điều quan trọng. Không có môi trường làm sao vi trùng có thể tác oai, tác quái ? Trong đại dịch ” học thuật dỏm” này , ắt hẳn quần chúng là môi trường lan truyền bệnh. Phải chăng , quần chúng trong XH VN hiện nay cũng có phần trách nhiệm? Chúng ta, những người biết đến chuyện dỏm này, chỉ là một số nhỏ trong đại đa số những người không biết đến cái ‘dỏm’ về chuyện học thuật đó. Nếu tất cả mọi người trong xã hội đều biết và không tin vào những danh xưng “dỏm” thì những con vi trùng đó liệu còn đất sống?…Tại sao số đông quần chúng còn “mê muội” như thế? tôi nghĩ đến một lý do khác: văn hóa. Phải chăng văn hoá truyền thống của VN đã làm cho người dân trở nên qúa dễ dãi trong việc ‘thờ phượng” bằng cấp? Tôi vẫn đang chờ một sự phân tích rạch ròi về vấn đề này. Trân trọng và cám ơn Bs về một bài viết rất hay và có gía trị.

  13. (tiếp) Bs ngoc đã nói đến cái “nhân” của đại dịch “bằng cấp” dỏm: chế độ, cơ cấu, tiền bạc, địa vị, chức tước……nhưng vẫn chưa nói đến cái “duyên” để căn bệnh trở thành “đại dịch”. Bs Ngoc ơi , đã nói đến “nhân” thì cũng nên nói về “duyên” cho đủ bộ: nhân duyên. Cám ơn Bs .

  14. Chào Bs. Ngọc

    “Quân y nổi tiếng là một trong những lò đào tạo đắt tiền. Các trường y thì rẻ hơn nhưng không rẻ bao nhiêu.”

    Tôi không rõ số tiền học TS của các vị là bao nhieu. Nhưng tôi dám khẳng định Quân Y nổi tiếng đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ rởm. Ở ngoài Bắc ai không thi được trường ĐH Y Hà Nội hoặc trường ĐH Y tế Công cộng thì vào trường Quân Y. Đảm bảo có bằng. Thậm chí có ông không hề học đại học y, nhưng cũng lấy được bằng tiến sĩ sau 6 tháng sai lính viết luận văn. Hiện ông ta là PGS. Bởi vậy nhắc đến thạc sĩ hoặc tiến sĩ y khoa tốt nghiệp trường Quân Y tôi cảm thấy coi thường và khinh bỉ.

  15. Tác giả viết: “Dịch hám danh. Dịch hám bằng cấp”.

    Ở Việt Nam -không phải chỉ sau 1975 mà trước đó lâu rồi- trong số những người biết chữ mấy ông tu bíp thuộc loại hám danh nhất.
    Sài Gòn xưa vẫn có những anh thầy thuốc ưa đổ quạu khi bị bệnh nhân nhà quê gọi cậu kêu chú.

    (Bạn bè tui có nhiều tay bắt đầu địa chỉ email bằng hai chữ bê ếch. Hỏi, chi vậy? Ừa thì, hổng ai biết uổng công má tao nuôi bảy năm!)

  16. Quá hay, đúng thực trạng ở Việt Nam hiện nay. Không chỉ ở ngành y thôi đâu, các ngành khác cũng vậy. Có thể nói chung là tệ nạn trong nền khoa học Việt Nam đấy.

  17. Qua bài viết tôi hiểu là bác sĩ Ngọc hơi giận quá… Tội nghiệp anh bạn thân của tôi mới tu nghiệp ở Pháp về, còn trẻ cũng TS-BS rồi. Nhớ ngày xưa bạn học giỏi có tiếng, giờ phấn đấu con đường học thuật làm làm gì để đời thị phi, đồng nghiệp bêu rếu!!! huhuhu…

    • Chỉ nói TS của nước Nam thôi bác à. Và chỉ nói trong ngành y. TS y khoa nước Nam thời nay đáng khinh lắm.

      • “…. quỷ nước Nam còn hơn làm vương nước Bắc”
        Nay lại là GS/TS nước Nam thì chắc qua phương tây, chúng nó sợ vãi 🙂

        Tôi rất tâm đắc với BS Ngọc. Chắc anh Ngọc cũng như tôi, ta thừa biết nguyên nhân, gốc rể của các bệnh dịch đang hành hạ xã hội VN ta. Mọi người đều giả vờ hay cố tình nói tránh là “cơ chế”, nhưng mà thật ra phải nói là “chế độ”!

      • Đúng quá. Ai cũng hiểu, chỉ … vài người không hiểu. 🙂 Ai cũng thấy, chỉ có người không … muốn thấy. Xin nhại thơ của Đỗ tiên sinh!

  18. BS Ngọc mới đề cập tới ngành Y chứ các ngành khác nhất là khoa học xã hội còn khủng khiếp nữa.Việc bằng dỏm theo tôi nằm trong quan niệm sống hiện nay của xã hội là “đổi của dỏm lấy của thật”.Ai đổi được nhiều thì người ấy là người thành đạt.Ai có điều kiện thì vận dụng tối đa.
    Lãnh đạo các cấp biết rất rõ song làm ngơ thậm chí hùa theo, cho đó là cách để “thỏa mãn” ước nguyện háo danh và cũng là để “hợp thức hóa”điều kiện tiến thân của cán bộ.
    Tôi đồng quan điểm:”Người dân cũng chính là đối tượng sau cùng trong đường dây này. Đừng trách tại sao dân mình nghèo vẫn hoàn nghèo. Cái cơ chế này làm cho họ nghèo. Đã nghèo thì thường chịu phận hèn. Cái cơ chế này làm cho người dân vừa nghèo và vừa hèn.”

  19. Hy vọng BS Ngọc nầy ko phải BS ĐỖ HỒNG NGỌC mà tôi mê từ nhỏ, người luôn có một giọng văn chân thực, nhẹ nhàng và hơi hài hước.

  20. Khong biet Bs. co phai la BS DHNgoc khong. Ne dung toi xin goi lo tham ban, Chuc Ban khoe manh va tiep tuc viet van. Toi la mot doc gia cua nhieu bai viet cua Ban tu nhieu nam nay.

    • Tôi đã trả lời một bạn đọc khác rằng tôi không phải là BS ĐHN. Nước ta có nhiều BSNgoc. Danh của chúng ta chỉ là ảo ảnh, chỉ có cơ thể và ý kiến là thật.

      • Tiên trách kỷ hậu trách nhân! Có thể mọi chuyện bắt đầu xa xưa (http://vuongtrinhan.blogspot.com/2011/05/xa-hoi-ang-ngoai-hai-ky-truoc.html). Em nghĩ cái ẩn ức cốt thi đỗ làm quan (kèm Danh & Lợi trong khi dững dưng với việc truy tìm chân lý, không có đam mê khám phá hay ứng dụng thực hành) có cơ hội & điều kiện kỹ thuật giúp phát lộ rõ ràng ở tốc độ của internet hay hỏa tiển trong thời này. Những thời trước có thể có chuyện hám danh nhưng do phương tiện kỹ thuật hạn chế nên cái ẩn ức cũng chỉ cùng lắm tạo thành giấc mơ hay bắt ép con cái học cho đến chết. Văn minh lúa nước & nếp nhăn Khổng Nho trên vỏ não cũng làm cho người ta ngừng bước trước luận lý, ứng dụng thực hành hay những biện giải siêu hình! Thành phần Tinh hoa Tây học nữa đầu TK 20 đã giúp xóa bớt cái nếp nhăn Khổng Nho & sơ khởi thiết lập một hệ thống học thuật dù chưa hòan thiện nhưng cũng trên đường tiệm cận với tiêu chuẩn phổ quát đương thời ở các trường học miền Nam. Tiếc rằng nó bị cuốn trôi theo giòng lịch sử & những thùng hủ nho ẩn kín lâu nay lại tiếp tục khui ra lan tỏa khắp nơi.

  21. Việt Nam vào thế kỷ 19 đã bị lạc hậu rồi mất nước vì Nho sĩ chỉ học tủ, học vẹt, học từ chương, học cốt để đi thi có cái bằng mà không dùng đầu óc suy nghĩ nhừng điều mình học có ý nghĩa gì và những điều đó đem áp dụng vào thực tế ra sao. Ngày nay lại tiếp tục cái lối ưa chuộng cái mẽ bề ngoài, chuộng hư danh mà không vụ thực chất.

    Xã hội ưa chuộng hư danh cũng là xã hội thiếu sự cạnh tranh ngoài đời. Khi một xã hội có cạnh tranh thực sự thì nhừng mảnh bằng giả chẳng giúp gì cho sự cạnh tranh sẽ bị xem như mớ giấy lộn mà kiến thức thật sự, biết làm việc, có sáng kiến để thắng trong việc cạnh tranh mới là điều hữu ích.

  22. Xin tán thành bài viết này của BS Ngọc! Ngành nào cũng giống như vậy thôi…

  23. Bài viết sâu sắc và hay lắm!!!
    Bệnh viện tôi có cái còn hay hơn… điều dưỡng trưởng bệnh viện kiêm nhiệm bác sĩ “không biết điều trị “(bằng mua của Quân Y), kiêm nhiệm trưởng khoa chống nhiễm khuẩn, kiêm nhiệm trưởng phòng vật tư y tế, kiêm nhiệm cố vấn giám đốc, và đang học chuyên khoa 1 CDHA để về kiêm nhiệm luôn trưởng khoa CDHA…
    Cái này hàng hiếm độc nhất vô nhị luôn…

    • cái này đã à nghen, ra trường thì phải gọi là … PGS-TS-BS … Thích đủ Thứ

  24. that su buon cho dat nuoc ta khi duoc lanh dao boi nhung ke bat tai.

  25. Có người hỏi saoBS Ngoc không nêu cái “duyên” mà chỉ nêu cái nhân ?Xin phép BS Ngoc để tớ trả lời luôn nha? Duyên là do dân tôc ta tự chọn định mệnh này , không ai chọn cả . Thằng Nam Hàn cũng như ta , nhưng dân tộc Nam Hàn nó sáng suốt tự chọn định mệnh tươi sáng ,nên bây giờ nó phát triển, nó mang ảnh hưởng của nó đến khắp nơi trên thế giới từ văn hóa, phim ảnh ,thời trang, y học ,giáo dục đến cái thần tượng ca sĩ ….. thằng Bắc Hàn nó cũng tự chọn định mệnh cho nó ,nên nó ăn bo bo (bổ hơn gạo),xiên tâm liên trị bá bệnh ,và thêm mấy cái “hột nhân” mà dân Việt ngưỡng mộ. Việt Nam cũng như dân tộc Hàn ,nhưng bi kịch hơn là dân tộc Hàn chỉ có một nữa bắc Hàn , còn VN thì cả dân tộc .

  26. Tôi cũng là 1 BS cũng là một giảng viên ĐH, tôi hoàn toàn đồng ý với BS Ngọc. Tôi đã từng ngồi chấm luận văn cùng với các GS, PGS, TS đáng kính của chúng ta, và thật kinh hãi khi kiến thức về NCKH là 1 con số 0 tròn trĩnh. Khi đọc luận văn họ không hề quan tân đến phần phương pháp NC, Kết quả NC, họ chỉ để ý bắt lỗi phần tổng quan và bàn luận mà thôi. PP NCKH sai, kết quả NC sai thậm chí ngụy tạo thì luận văn còn giá trị gì nữa ? Vừa rồi ban tôi có dự thi NCS vào trường ĐHYD TP HCM, hội đồng gồm các vị PGS, TS có tiếng. Sau khi trình đề cương xong, bạn tôi bị choáng thực sự về trình độ NCKH của các vị trong hội đồng, những kiến thức cơ bản nhất như là thế nào hồi cứu, tiền cứu (?), đoàn hệ, bệnh chứng, RR, OR…họ đều không nắm được. Thật khủng khiếp! vậy mà họ là người đã hướng dẫn và chấm hàng chục thậm chí hàng trăm luận văn cao học cũng như NCS. Thật buồn và thật đau sót !

  27. Dao nay cac BS trong Sai Gon do xo ra Bac lam TS tai DH Quan Y.Vai nam nua thoi, chung ta se chung kien hang loat TS xuat hien tai Sai Gon voi trinh do khung khiep !

  28. Đại dịch này nó lan ra đến xã hội rồi nên mới có câu “Ra ngõ là gặp TS”

  29. “Ném” cho các PGS-TS-BS này một bài trắc nghiệm kiến thức của học sinh cấp 3, biểu làm là biết ngay chứ gì!

  30. Kinh thưa BS Ngọc. Càng đọc nhũng bài viết của BS em càng cảm thấy yêu quý Bs nhiều hơn. Thưa BS xã hội này quả thật đã không còn cho chúng ta một niềm tin,một chỗ dựa tinh thần dù là nhỏ nhất- Nó đã có thể đến thời kỳ ung thư di căn mà mọi sự can thiệp của y học hầu như không còn tác dụng. Ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường đai học những năm của thập niên 80, trong một lần nghe thầy giáo trưởng khoa giao giảng về tính ưu việt của XHCN và sự giãy chết của CNTB, như một phản xạ tư nhiên em đã đứng phắt dạy phản đối về thứ XHCN không tưởng đó, thay vì tranh luận vị giảng viên nọ lại lôi chiêu bài: Tôi sẽ về mách bố cậu- thật không thể hiểu nổi nền giáo dục việt nam, với sinh viên mà họ còn dọa về mách bố mình….Lớn lên đi làm em kiên quyết nhất định không vào đảng, mặc cho nhiều điều dụ dỗ, giờ này em tin mình vẫn ” còn trinh” vì không nhuốm màu hồng…Tuy nhiên em nhận thấy cuộc mưu sinh của mình trong cái nền học giả, đạo đức giả này, mình thua thiệt và khó sống quá. Em luôn nghĩ mình hèn quá, càng ngày tự cảm thấy mình bất lực và hèn hơn,vì miếng cơm manh áo,mà vẫn cứ phải tận tụy đi làm, chứng kiến biết bao điều giả dối mà không sao nói dc, trong cả một tập thể đều cúi mình để đón miếng cơm, mình trở nên nhỏ bé và lạc lõng quá…Em không biết phải làm sao, không đi làm thì đói, đi làm lại một vòng luẩn quẩn…Cho em một lời khuyên, cho em cách để tự mình có thể không lo đói và suy nghĩ những gì mà không phải thứ suy nghĩ “có tinh thần tập thể cao'” như lâu nay người ta vẫn thường nói.

  31. Chế độ là thực tế khách quan, chủ nghĩa là lý thuyết. Không có lỗi. Chỉ tại con người. Con người dốt nát làm quản lý xã hội. Để kéo theo vô vàn cái sai. Khởi đầu là 1 ly, nhưng sau đó là 1 dặm và sau đó là hàng triệu km.
    Chỉ tội nghiệp cho dân tộc ta, phải chịu đựng đau khổ, chết thẩm khốc mà không biết tại sao, chỉ đổ thừa cho số mệnh….

  32. That buon vi xa hoi ngay nay.Ko biet nhung ong GS,TS ay co chua duoc benh ko nhung luon cho benh nhan “di duong vong”.

  33. Neu chung ta cu de cac TS do suot ngay ngoi phong thi nghiem va doc sach. Chung ta cu de 1 GS phu trach giang day tai truong Dai hoc. Cac BS se khong con ai lam TS. Cac GS cung se chang tranh len vi phan quan ly dau thuoc minh.
    Neu that su cac GS, TS do la mot nha khoa hoc gioi thi cach lam cua chung ta dang mat di nhung nguoi lam khoa hoc gioi thay vao do co mot nha quan ly toi.
    That buon cuoi khi thay gia kham mot GS khac voi gia kham mot BS. Chung ta can mot BS chua benh, chu khong can mot GS doan benh (GS chi chuyen giang day, it thuc hanh hon nhung co ve khong dung o nuoc ta).
    Ma thoi chuyen o nuoc ta la lam la lam.
    The gioi con phai hoc nuoc ta nhieu nhieu.
    Chu ta can gi theo ho…Vi khong theo noi.

  34. Bài viết khá hay và thú vị, tuy bây giờ tôi mới được đọc. Xin cảm ơn tác giả và xin phép được copy lại cho mọi người cùng đọc và tranh luận.

  35. HỌC VỊ GIẤY
    Bằng in cả đống đủ màu mè
    Dấu đỏ, tên đen, ký đẹp mê!
    Tiến sĩ, Giáo sư nhiều mặt nạ!
    Cử nhân, Thạc sĩ lắm vai hề!
    Học hàm, Bằng cấp mua sao dễ!
    Áo thụng, Mũ vuông mướn rẻ rề!
    Giả, dzỏm, Việt Nam ta đứng nhất
    Tương lai dân tộc sẽ đi về…?!?

    NẠN BẰNG MÃN
    Giáo sư, Tiến sĩ Việt Nam đầy
    Thạc sĩ, Cử nhân cũng lắm thay!
    Lẫn lộn ngợm người đông cả lũ
    Lung tung mèo chó đủ nguyên bầy
    Thằng kia, Ông đấy: Bằng chùi đít!
    Con nọ, Bà này: Giấy lau tay!
    Hỗn lọan Việt Nam thời thổ tả!
    Đỏ, đen, thật, giả, dzỏm, bầy hầy!


Leave a reply to dangdung Cancel reply

Categories