Posted by: bsngoc | 05/06/2012

Ảnh hưởng của hiện tượng “Tác giả ma”

Hôm nay mới đọc bài về tác giả ma rất thú vị của Gs Nguyễn Văn Tuấn làm tôi liên tưởng đến tình trạng tác giả ma ở Việt Nam. Tôi liên tưởng đến chính tôi cũng từng là một tác giả ma. Theo tôi thấy tình trạng viết mướn cũng có thể xem là hiện tượng tác giả ma. Hiểu như vậy sẽ thấy hiện tượng tác giả ma rất phổ biến ở VN.

Nền học thuật VN bây giờ tràn đầy những hiện tượng tiêu cực. Những chuyện đạo văn thì đã quá phổ biến. Không biết đã có ai làm điều tra để biết bao nhiêu sinh viên và thầy cô trong đại học đạo văn, nhưng tôi có cảm giác con số chắc rất cao. Những lùm xùm chung quanh những nhân vật lừng danh như ĐLT, NCB đã được nhà phê bình Nguyễn Hoà nhắc đến. Mấy năm trước xảy ra vụ luộc sách và đạo văn trong đại học kinh tế cũng làm tốn giấy mực một thời gian. Nhưng còn rất nhiều vụ đạo văn trong luận án, giáo trình, sách giáo khoa chưa được báo chí biết đến. Chưa nói đến những sách giáo khoa chỉ là sách dịch nhưng tác giả gốc thì bị … bỏ quên. Những bài tổng quan cũng thế. Những vụ như thế thường chỉ lưu truyền trong đại học chứ ít khi lọt ra ngoài, vì trong giới khoa học ít người hoàn toàn “sạch” nên cách tốt nhất là họ giữ im lặng.

Tôi nghĩ vấn đề đạo văn có thể xuất phát từ khả năng viết. Quan sát cá nhân của tôi thấy một điều đáng buồn là rất nhiều em tốt nghiệp bác sĩ hẳn hoi mà vẫn không viết được một bài văn có đầu có đuôi. Thử đọc qua những hồ sơ bệnh án trong bệnh viện sẽ thấy những sai sót về cú pháp, chính tả, cách hành văn nhiều đến nổi đếm không xuể. Trong tình trạng như thế thì việc mượn văn của người khác là điều không có gì khó hiểu. Vả lại, trong trường cũng không có ai dạy để phân biệt thế nào là đạo văn và thế nào là trích dẫn hợp lý.

Thật ra, nói mấy em bác sĩ mới ra trường viết sai tiếng Việt cũng oan, vì ngay cả thầy cô các em cũng viết chẳng ra gì.  Đọc qua những bài của thầy cô trong ngành y tôi chỉ biết thở dài vì không ngờ trình độ học thuật ngày nay kém như thế. Những câu văn chẳng ra làm sao cả. Xin đưa ra vài ví dụ tiêu biểu:

Viêm âm đạo do vi nấm bệnh thường gặp, đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây bệnh”.  Mộtcâu văn lũn cũn. Đọc xong cũng chẳng biết đó là bệnh danh gì. “Đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây bệnh” nhưng bệnh gì?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là một  nguyên nhân và ngày càng gia tăng về tỷ lệ tử vong”.  Thêm một câu văn khó hiểu.

Và đố ai hiểu được câu này: “Trí tuệ xúc cảm là một thành tố trí tệ mới được phát hiện vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX”.

Có thể lấy ra hàng ngàn câu như thế trong các báo cáo khoa học để bình luận. Thật ra, chỉ mang tiếng “khoa học” chứ trong thực tế thì chẳng có khoa học tính gì trong đó. Những báo cáo mà đọc xong người ta chẳng có một ấn tượng gì, chẳng có gì cần phải nhớ vì chẳng có phát hiện gì đáng để ghi nhận.

Nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là cách hành văn trong những bài báo gọi là “khoa học” đó. Nó không phải tây mà cũng chẳng phải ta; nó lai căng, nhập nhằng giữa văn viết và văn nói. Nó nghèo nàn ở cách dịch. Viết văn là một cách suy nghĩ, cho nên cách hành văn không trong sáng cũng nói lên rằng suy nghĩ của những tác giả thiếu trong sáng. Thiếu trong sáng là triệu chứng của sự hụt hẫng về kiến thức và am hiểu vấn đề.

Thầy cô mà còn viết văn như thế thì cũng không nên trách trò sao quá kém.

Bấy lâu nay ai cũng biết đạo văn chỉ là một khối u trong học thuật. Nhưng bây giờ tôi mới biết thêm một khối u khác có tên là “tác giả ma”.  Thú thật, đây là lần đầu tiên tôi nghe đến hiện tượng “tác giả ma”. Vì vậy tôi cũng bỏ thời gian tìm hiểu. Hoá ra, đây không phải là hiện tượng mới trong khoa học. Nó đã xuất hiện khá lâu trong nghiên cứu y khoa. Lần mò theo tài liệu tham khảo trong bài của Gs Tuấn, tôi đọc được bài trên tạp chí y khoa British Medical Journal nói về quy mô của tình trạng tác giả ma trong y khoa. Trong bài báo đó các nhà nghiên cứu định nghĩa tác giả ma là những người có đóng góp xứng đáng trong bài báo nhưng không ký tên tác giả, hoặc những người vô danh có tham gia vào việc soạn thảo bài báo. Nguyên văn là: “An individual who was not listed as an author made contributions that merited authorship; an unnamed individual participated in writing the article”.

Phải ghi chú ở đây rằng định nghĩa trong tạp chí British Medical Journal rất khác với “định nghĩa” của bà tiến sĩ tự hào là chuyên gia về tiếng Anh. Trong một bài mang tính vừa đố kỵ vừa dạy đời bà lên lớp rằng tác giả ma là người “không viết mà ký tên làm tác giả (lấy bài người khác làm bài của mình)”. Tôi rất ngạc nhiên khi đọc định nghĩa này. Nhưng tìm lại tài liệu gốc thì tôi mới biết bà tiến sĩ dịch sai hoàn toàn! Sai từ ý đến lời. Trong trang web bà dẫn, người ta viết như thế này:

“The Ghost Writer”
 – The writer turns in another’s work, word-for-word, as his or her own. 

Chẳng có chỗ nào để viết rằng “không viết mà ký tên làm tác giả” cả. Với thứ tiếng Anh lõm bõm của tôi, tôi hiểu định nghĩa trên là tác giả ma là tác giả chuyển giao tác phẩm của mình cho người khác để người đó lấy làm tác phẩm của họ. Tác giả ma, như cụm từ “ma” ám chỉ, là … ma. Tức là người đó không xuất hiện trên giấy trắng mực đen là tác giả, dù người đó thật sự là người tạo ra tác phẩm. Hiểu như vậy thì những người soạn diễn văn cho các lãnh tụ là những tác giả ma. Đọc những gì bà tiến sĩ chống chế, nguỵ biện, cũng như những hiểu biết của bà tôi thấy rất buồn cười và thất vọng. Chắc bà khinh thường người đọc không biết đúng với sai chăng? Càng thấy những gì mấy người bên trang Giáo sư dỏm nhận xét càng có cơ sở.

Nhưng đó là chuyện nhỏ. Tôi muốn quay lại với hiện tượng tác giả ma và ảnh hưởng của nó. Tôi muốn nói ảnh hưởng ngay tại Việt Nam chứ không nói ở nước nào xa xôi cả.

Chiếu theo định nghĩa tác giả ma như trên, tôi phải thú nhận rằng tôi cũng từng là một tác giả ma. Vào thập kỷ 1980 của thế kỷ trước, do cuộc sống khó khăn và vì biết chút tiếng Anh, tiếng Pháp từ thời học trường thuốc, nên tôi trở thành một kẻ viết mướn. Tôi viết luận án cao học, luận án tiến sĩ cho các quan chức. Một vài người bây giờ là những người làm quan to ở bộ và trong các bệnh viện thành phố. Thoạt đầu, tôi đi mua tài liệu y văn, rồi dịch sang tiếng Việt cho các “khách hàng”. Nhưng sau này khách hàng bận quá nên nhờ tôi viết luôn cả luận án cho họ. Có nhiều bài tổng quan quá chuyên sâu mà tôi không thể nào hiểu hết được nên tôi chỉ dịch theo cách hiểu lõm bõm của mình. Ấy thế mà sau này khách hàng đó còn dạy cho tôi! Tôi biết vài đồng nghiệp khác cũng là tác giả ma như tôi. Nói chung, trong vai tác giả ma, chúng tôi kiếm sống cũng khá thoải mái một thời gian.

Tôi tin rằng ngay cả những vị lãnh đạo có bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cũng có thể nhờ vào các tác giả ma. Làm sao một người dành cả đời trong chiến khu rồi một sớm một chiều có bằng cử nhân, thạc sĩ, hay tiến sĩ. Thời giờ đâu mà họ có thể theo học trong khi trách nhiệm hành chánh rất nặng nề. Ngay cả có thời giờ theo học, chắc gì họ có đủ trình độ căn bản để theo học, để viết một luận văn đúng chuẩn mực học thuật. Họ phải nhờ đến các tác giả ma thôi.

Ngày nay, tôi tin rằng hiện tượng tác giả ma vẫn còn tồn tại. Nó tồn tại dưới hình thức “chợ luận văn”. Người ta ngang nhiên có hẳn những trang web chợ luận văn, có khi xuất hiện dưới cái tên mang tính học thuật hơn như “Thư viện luận văn”! Có nơi bày bán công khai các luận văn dưới dạng điện tử hoặc bản copy.  Trong đó, khách hàng có thể tìm hàng trăm luận văn đủ các cấp và các ngành học. Trong thực tế có rất nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh là khách hàng của những chợ luận văn. Có em thành thật nói rằng: “Đang làm đồ án bộ môn Xử lý nước thải công nghiệp, nhưng nói là làm vậy thôi chứ toàn sao chép từ các đồ án năm trước”, “Mình lấy bài đánh máy sẵn và bản vẽ Autocad, chỉnh sửa lại. Lớp mình có hơn nửa lớp làm kiểu tương tự như vậy”. Nói như thế để thấy hiện tượng tác giả ma có thể là một “đại dịch” trong học thuật ở nước ta.

Tác giả ma và đạo văn sẽ có ảnh hưởng xấu đến y khoa. Ảnh hưởng hiển nhiên nhất là sẽ có rất ít những phát hiện, khám phá từ Việt Nam. Bởi vì người ta chỉ đơn giản mua luận văn, xào nấu lại thành một luận văn mới, nên chẳng có kiến thức gì mới từ những công trình đó. Không có khám phá gì mới cũng đồng nghĩa với việc lệ thuộc vào người khác và dẫn đến sự thiếu tự chủ. Điều này thì chúng ta đã thấy vì thế hệ thầy cô trường y ngày nay chỉ là những người sao chép của người khác nên không có khả năng đề xuất những ý tưởng độc đáo. Tất cả những gì họ làm chỉ là copy từ người khác, chứ không có đóng góp gì mới. Tất cả đều ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc bệnh nhân.

Các thầy cô có biết hiện tượng tác giả ma? Tôi tin là họ biết, nhưng họ không nói ra. Một phần vì chính họ cũng là khách hàng của chợ luận văn và tác giả ma. Cũng có thể họ biết, do trình độ kém hay chưa am hiểu vấn đề đến nơi đến chốn nên họ không nhận ra được nguồn gốc của văn bản, và để sinh viên qua mặt. Trong tình hình thực tế như thế, tôi tiên đoán rằng nền học thuật của Việt Nam sẽ cónhiều tiêu cựchơn trong vài thế hệ kế tiếp. Lý do đơn giản là vì những người có được bằng cấp hôm nay qua đạo văn và giúp đỡ của các tác giả ma sẽ đào tạo ra một thế hệ tiếp nối, và tình trạng chỉ có thể nói rằng sẽ càng ngày càng tồi tệ hơn.  Trong môi trường học thuật bát nháo như thế mà các vị bộ trưởng và quan chức giáo dục nói rằng sẽ đưa đại học VN lên hàng đầu thế giới thì chẳng khác gì họ đang ru ngủ chúng ta.


Responses

  1. Bà này thiệt ngoan cố. Lại tiếp tục trích dẫn thêm nhiều link khác để chứng tỏ “định nghĩa” trái khoáy của bà là đúng. Tuy vậy, tất cả những link đó đều dựa trên định nghĩa “The Ghost Writer”
 – The writer turns in another’s work, word-for-word, as his or her own.” mà bà dám dịch sai bét thành “không viết mà ký tên làm tác giả (lấy bài người khác làm bài của mình)” thì quả là bó tay. Lúa tôi dám nói bà này chưa hiểu nghĩa của chữ turn in. Đáng lẽ phải dịch là: Tác giả ma là người viết giao tác phẩm của mình cho người khác, từng chữ một, như là tác phẩm của người được giao.

    Còn định nghĩa chuẩn thì trên JAMA tôi thấy họ viết hay hơn:

    (a) An individual who was not listed as an author made contributions that merited authorship.

    (b) An unnamed individual participated in writing the article.”

    Cũng nên nói thêm, không phải cái gì có trên mạng thì đều là chân lý. Trên mạng cũng đầy rác rưởi. Cũng như giang hồ có đủ mặt: đại hiệp có, ma đầu có, tiểu nhân đê hèn cũng có. Lâu dần thì người ta cũng biết ai là ai.
    Bà còn dẫn câu “đánh thắng quân xâm lược” và “đánh bại quân xâm lược” là đồng nghĩa để biện bạch cho mình, một lối tiểu xảo chỉ chứng minh sự ngoan cố của bà mà thôi. Cái lối “tung hỏa mù” của bà để bôi nhọ GS Tuấn cũng là một ngón rất quen! nhưng cũng chỉ để lộ tâm địa đố kỵ và u ám của bà, đúng như bên GS Dỏm từng có bác nào đã chỉ ra. Dốt không phải là xấu. Tất cả chúng ta đều vô minh trước khi hiểu ra được điều gì. Nhưng dốt mà cứ tự cho mình là thầy đời, cái đó mới nguy hại.

    • Ghost Writer”
 – The writer turns in another’s work, word-for-word, as his or her own.” Tôi nghĩ là bạn đã không hiểu đúng câu này. Trước khi đánh giá, phán xét người khác cũng cần kiểm tra thận trọng bạn ạ.
      Kính.

      • Có thể tôi hiểu sai, nhưng câu “The writer turns in another’s work, word-for-word, as his or her own” hoàn toàn không có nghĩa là “không viết mà ký tên làm tác giả (lấy bài người khác làm bài của mình)”.

      • Cám ơn bác nguyennxn góp ý, tôi xin thành thật tiếp thu :-). Đúng là trên mạng có đủ thứ hay dở tốt xấu, thành ra quan trọng là ta biết nguồn nào đáng tin cậy hay không mà thôi. Tôi cũng bị cái bệnh chủ quan, cảm tính (thì tôi cũng là người Việt mà :-):-), chỉ hy vọng mỗi ngày biết thêm được một chút gì thì bớt chủ quan cảm tính đi được một chút mà thôi 🙂 lần nữa cảm ơn bác chỉ giáo!

    • Cám ơn bác. Bác chắc là dân ngành y? Về tác giả ma, tôi cũng hiểu như bác. Blog này từng có những lời lẽ cảm tình với bà ts, nhưng càng ngày tôi càng nhận ra bản chất của bà. Trình độ rõ ràng hụt hẫng. Thế mạnh của bà là tiếng Anh mà cũng quá kém. Nhưng cái nhân cách của bà mới đáng quan tâm hơn. Quá thất vọng.

      • Thật ra thì tôi đã không đồng tình với định nghĩa về tác giả ma của TS VTPA, ngược lại tôi nhận thấy định nghĩa mà GS NVT đã dẫn là hoàn toàn phù hợp và là cách hiểu phổ biến trong giới học thuật. Như 2 comments sau đây của tôi trên blog của TS VTPA:
        (1)
        AnonymousJune 2, 2012 12:35 PM
        Chủ blog ngụy biện.
        “…Tôi chỉ nêu sự kiện,..”.
        Nhưng đọc câu này “Thế mới biết biển học mênh mông, và không có ai có thể một mình nắm hết mọi chân lý, dù chỉ liên quan đến một thuật ngữ nho nhỏ.” thì rõ ràng không phải thế.
        “Thế mới biết biển học mênh mông…” tôi xin tặng lại câu này cho chủ blog.
        Xin nói rõ, tôi chẳng thần tượng ai, chỉ thượng tôn cái đúng. Chủ blog cũng đừng tùy tiện gán ghép cho những người đứng về cái đúng là thần tượng GS Tuấn.
        Thân kính!
        (2)
        AnonymousJune 7, 2012 7:09 PM
        Mặc dù trong thực tế có những từ ngữ mang nghĩa không như mình suy luận. Tuy vậy, tôi thấy định nghĩa theo GS Tuấn đã dẫn là hơp lý hơn. Theo tôi hiểu một cách nôm na thì từ “ma” mang nghĩa là cái không thấy, không nhận biết được. Có đóng góp quan trọng,có viết bài nhưng không đứng tên thì đúng với tính “ma” quá rồi còn gì? Đã đứng tên làm tác giả rồi thì dù có viết hay không, có đóng góp hay không thì cũng “chình ình” ra đó, ma quỷ thế nào được!
        (Hết trích)
        Tuy vậy, TS VTPA cũng đã dẫn được những nguồn có định nghĩa theo cách hiểu của mình về tác giả ma, mặc dù định nghĩa như vậy phải nói là xa lạ với giới học thuật.
        Hơn nữa, “tác giả ma là người viết giao tác phẩm của mình cho người khác, từng chữ một, như là tác phẩm của người được giao” là một cách diễn dịch không đúng câu “The writer turns in another’s work, word-for-word, as his or her own”.
        Kính.

  2. Cái bà TS này cũng một giuộc với bs HH , chẳng qua là HH đá bả văng ra chứ thời còn mặn nồng thì bả cũng hoắng ( như HH ở đây http://bshohai.blogspot.com/2010/04/nuoc-viet-hang-tuan-2.html?showComment=1272334786677#c5969480785887016382) và bả ở đây (http://bshohai.blogspot.com/2010/04/nuoc-viet-hang-tuan-2.html?showComment=1272337415325#c4188583632125232702 )
    Mô Phật, có những con người tự xưng mình giỏi và dữ kìa

  3. Kính thưa bác sĩ, đây là thành qủa tất yếu của nền giáo dục XHCN.

    “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà….”
    Đây là lời căn dặn của thần tượng của bác sĩ , và họ đã làm tốt lời căn dặn đó, bác sĩ còn đòi hỏi gì nữa ạ?

    • Bác nói oan cho tôi. Bác Trần Dân Tiên không phải là thần tưọng của tôi. 🙂

  4. Dear Dr Ngoc,

    My name is Huy Nguyen; currently, I live in U.S and practice medicine. I have been a big fan of your blog. I always agree with everything you wrote in your blog. However, this time I have to disagree with you on one small detail in your article. Ph.D lady’s interpretation of ““The Ghost Writer”
 – The writer turns in another’s work, word-for-word, as his or her own” was right; however, this definition of ‘ghost writer” is wrong. Most Amerians I talked to (they are all well educated) use Dr Tuan’s definition. Ph.D lady should check her source carefully before she quotes it.

    I read all your aritcles and can’t wait to read next coming ones.

    Sincerely,

    Huy Nguyen

    • Thank you for your comment. I think the problem with that lady is that she is not familiar with academic culture because she has’t done any serious research. There are so many pseudointellectuals like her in Vietnam. It is unfortunate!

  5. Thưa BS,
    Nói về gian lận thì có kể 1001 đêm cũng không hết.Nó xảy ra ở mọi nơi chứ chẳng riêng gì ở VN có điều nó ở mức độ nào mà thôi.Chuyện VN tôi không rành nên không dám mạn bàn chỉ xin kể chuyện nơi mình sống.
    Từ “ghost author” tùy theo định nghĩa của mỗi người chứ cũng không nhất định nó phải là thế này hay thế nọ…Chẳng có ai hay tờ báo nào đăng kí bản quyền cái từ này cả nên ta không nên áp đặt theo một qui tắc hay định nghĩa nào nhất định.Bản thân tôi thích dùng từ “faceless author” hay “hidden author” hơn.
    Bình thường mọi người đều nghĩ xấu về những nhân vật này nhưng đôi khi nó lại có tác dụng ngược lại tùy theo hoàn cảnh & góc độ nhìn nhận vấn đề.
    Xin lấy một ví dụ đơn giản .Trong công ty tôi nó có cả một “department” để làm chuyện này và nó hoàn toàn “important” & “legal”.
    Tôi muốn đề cập tới vai trò của các “Technical writer” trong công ty của mình.
    Thông thường sau khi đám “R&D”chúng tôi xong công việc chúng tôi phải “pass”
    các “infos” cho họ,tùy theo khả năng viết của từng người. Các “infos” này đôi khi “in brief’ ,rất lủng củng & luộm thuộm.Qua ngòi bút của các nhân vật này nó trở thành “tuyệt vời” mà bất cứ ai đọc cũng hiểu cho dù khác nhau về trình độ chuyên môn.Bản thân tôi khi đọc lại những “infos” của chính mình mà đôi khi còn phải công nhận rằng họ viết hay hơn,chính xác hơn & “professional” hơn.Có một điều xin thưa rằng họ hoàn toàn không có một tí kiến thức chuyên môn nào trong lãnh vực đó.Các nhân vật này được “train” để làm công việc của họ & được trả lương rất cao…
    Các nhân vật này có phạm vào tội “đạo văn” hay không xin mọi người nhận xét.

    Xin chào BS.

    Raphy.

    • Trường hợp bác nói, tôi không nghĩ có thể quy về “tác giả ma”, mà chỉ là phân công laođộng theo lối chuyên nghiệp hóa. Nhưng tôi lấy làm lạ về việc họ không có tí chuyên môn nào mà có thể viết được 🙂

  6. Em thì nghĩ đó đơn thuần chỉ là Editor thôi – chỉnh sửa lại để cũng thông tin đó, cũng ý tưởng đó nhưng được viết lại để dễ hiểu hơn, mượt mà hơn, sâu sắc hơn, . ( tùy mục đích).
    VD như người đào vàng và người thợ kim hoàn. Người đào vàng biết đó là vàng, đào đem về . cắt thành hình chiếc nhẫn nhưng lại không biết làm thế nào để chiếc nhẫn đó đó trở nên mỏng hơn, đẹp hơn, nghệ thuật nên đưa cho người thợ kim hoàn mài giũa 😉
    Và khi chiếc nhẫn trở thành 1 tác phẩm nghệ thuật đẹp – thì đó là tác phẩm do người thợ kim hoàn là tác giả.
    Qua chuyện này để thấy những người trong “department” mà bác Raphy nhắc tới không phải là đạo văn 😉

  7. Có lẽ mọi người chưa xem phim “The Ghost Writer” này:

    Phim nói về một nhà văn viết hồi kí cho thủ tướng, được dịch tên tiếng Việt rất hay là: “Người Chấp Bút”

  8. Hồi trước, con có xem 1 bộ phim của Hàn Quốc là “Người tình của ngôi sao”. trong phim, nhân vật nam chính là 1 Tiến sĩ Văn học nhưng lại nghèo “rớt mồng tơi” đành phải chấp nhận viết thuê cho 1 ngôi sao – theo kiểu “The Ghost Writer” – để trang trải cuộc sống nhưng chính bản thân anh ta cũng lên án công việc này. Nhưng con thấy vấn đề này cũng chẳng có gì xấu cả. Thật ra, có cầu thì có cung thôi! Bản thân người viết, viết hoài thì hết đề tài rồi viết nhăng viết cuội để kiếm tiền. Nhưng có những người, gọi nôm na là Người của công chúng, rất nhiều người muốn biết về họ và cuộc đời họ rất thú vị nhưng họ không có khả năng viết lách và không có nhiều thời gian. Nhưng thà vậy còn hơn, con thấy có nhiều nhà văn trẻ viết sách rất là tệ, nội dung vay mượn, mà chủ yếu là của các phim Hàn Quốc. Dường như họ đang chạy theo đồng tiền. Càng ngày con càng thất vọng với văn học hiện đại, không còn đón chờ những tác phẩm của Việt Nam nữa. Bên cạnh đó, con thấy có những nhà xuất bản, mua tác phẩm cùa nước ngoài về rồi dịch lại. Không thể loại trừ những sai sót trong lúc dịch thuật. Nhưng khi biên tập lại thì sao không có ai nhìn ra những lỗi đó? Câu cú thì không có ý nghĩa, từ ngữ thì sai chính tả. Theo như con biết, 1 cuốn sách thì không phải là 1 người dịch lại mà là có cả 1 ê-kíp. Nói cho cùng, lỗi không phải của cá nhân mà là lỗi hệ thống. Hồ Chí Minh từng dạy: “Viết cho ai, viết để làm gì và viết như thế nào?”


Leave a comment

Categories