Posted by: bsngoc | 27/05/2012

“Bệnh lạ” hay cách hành xử lạ?

Chữ “lạ” càng ngày càng xuất hiện với mật độ dày đặc trên báo chí. Khởi đầu là “tàu lạ” nay đến “bệnh lạ”. Như một blogger nói, tàu thì không lạ nhưng sự hèn hạ thì quen. Còn bệnh thì cũng không lạ, lạ chăng là cách hành xử lạ lùng và trình độ còn xa lạ với quốc tế.

Câu chuyện “bệnh lạ” ở Quảng Ngãi làm tôi liên tưởng đến câu chuyện H5N1. Bệnh lạ xảy ra đã 3 năm nhưng các quan chức y tế và các giáo sư tiến sĩ VN không tìm ra nguyên nhân. Năm 2004, khi H5N1 hoành hành, chỉ trong vòng vài ngày, một nhóm chuyên gia của WHO và Đại học Oxford cùng với vài chuyên gia Việt Nam đã lập tức điều tra và cho ra nguyên nhân. Họ còn công bố kết quả trên tạp chí y khoa toàn cầu để cảnh báo toàn thế giới. So sánh hai sự việc cho thấy trình độ của nền y khoa VN ra sao.

Nền y khoa trong đó – nói theo một đàn anh – bác sĩ ta không thua kém bất cứ ai trên thế giới càng ngày càng bi hài. Căn bệnh “viêm da dày sừng bàn tay bàn chân” đã xảy ra 3 năm. Hơn 200 người mắc bệnh. 21 người tử vong. Hơn một năm điều tra dịch tễ và lâm sàng. Huy động hàng trăm “chuyên gia hàng đầu” với chức danh giáo sư, tiến sĩ về dịch tễ học, da liễu, hoá sinh. Nhiều đến nổi người dân chán ngán không muốn tiếp thêm một đoàn nào nữa. Tốn biết bao tiền của của người dân, để rồi được kết quả gì? Không được gì cả. Đúng như một tờ báo thất vọng thốt lên: Một năm truy tìm “bệnh lạ” vẫn chưa rõ nguyên nhân. Kết quả đó có xứng đáng với kiểu tự sướng một nền y khoa “tài giỏi” hay không? Tôi nghĩ phải nói là một nền y khoa tồi thì mới đúng. Chỉ có một hệ thống y khoa tồi và bất tài mới tiêu tiền của dân một cách vô tội vạ như thế. Đó là bi.

Đến hài.  Hiện tượng một em bé “gây cháy” làm nhốn nháo cả hệ thống y khoa. Chưa biết thực hư ra sao, nhưng cả một nhúm giáo sư, tiến sĩ, với những thiết bị điện tử đã “vào cuộc”. Kết quả là … không kết quả.  Không kết quả là phải thôi, vì người ta đem những thiết bị mua ở siêu thị, nhưng có lẽ Made in China, về để đo … điện từ trường. Rồi lại tốn giấy mực của báo chí, nhưng người dân cho đến nay vẫn chưa biết chuyện gì đã xảy ra. Chưa bao giờ sự hài hước lên đến cao độ như thế.

Hai sự việc nói lên một thực tế hết sức đơn giản, đó là sự bất tài. Sự bất tài thể hiện rõ nét từ các trường y, đến bệnh viện và sau cùng là Bộ Y tế. Chưa bao giờ trong lịch sử VN, chúng ta có nhiều giáo sư tiến sĩ y khoa như hiện nay. Con số giáo sư và tiến sĩ y khoa có thể đã lên đến vài vạn. Nhưng như Gs Tuấn đã nhiều lần phân tích cho thấy mỗi năm họ chỉ cho ra khoảng 300 bài nghiên cứu! Càng nhục hơn khi biết con số đó chỉ bằng 1/4 của Thái Lan. Một sự thật khác càng nhục hơn là trong số đó gần 95% là do các đồng nghiệp ngoài giúp đỡ.  Những con số lạnh lùng đó cho thấy rất rõ ràng và thuyết phục là các giáo sư tiến sĩ VN rất kém cỏi trong nghiên cứu khoa học.

Phải là người trong cuộc và ở trong nước mới thấy hết sự kém cỏi của các giáo sư tiến sĩ y khoa VN. Đọc qua những “nghiên cứu” của họ trên các tạp chí như Nghiên cứu Y học TPHCM, Y học Thực hành, tôi thật ngán ngẩm cho học thuật thời mạt vận. Tôi phải để hai chữ nghiên cứu trong ngoặc kép vì tôi dám chắc đại đa số những bài đó không phải là nghiên cứu. Đó chỉ là những bài kể chuyện, kể một cách nghèo nàn và linh tinh. Nhưng những bài đó “ngốn” hàng tỷ đồng Việt Nam. Ai chi trả? Xin thưa: người bệnh. Theo tôi, phải nêu vấn đề này trên công luận để công chúng biết rằng họ đang trả tiền cho các bác sĩ vi phạm y đức nhân danh “nghiên cứu khoa học”. Những đồng nghiệp nào từng đi dự hội thảo thường niên của các hội như tim mạch, thần kinh, lão khoa, chấn thương chỉnh hình … sẽ thấy tình trạng khoa học thê thảm đến độ khó cứu vãn. Trong những hội nghị đó chúng ta vẫn thấy những khuôn mặt được xưng tụng là “thầy của những bậc thầy” với những slide quen thuộc. Quen thuộc là vì đều do các công ty thuốc soạn cho họ. Có công ty còn chèn vào logo thuốc của công ty! Tôi mới dự một hội thảo và thấy có một vị “giáo sư” đình đám dùng đến 10 slide của công ty thuốc, phần còn lại là cóp nhặt từ mạng. Họ không có bất cứ một nghiên cứu gì của chính họ cả. Vì nhặt từ mạng và vì dốt tiếng Anh, tiếng Pháp nên có người phát âm thuật ngữ sai be bét. Các vị “giáo sư” lúc đó chỉ là những kẻ bán hàng hay quảng cáo hàng cho công ty thuốc. Thảm hại nhất là họ không nhận ra điều đó. Ngược lại, họ nghĩ rằng họ đang cập nhật hoá kiến thức cho bác sĩ, kể luôn những bác sĩ già như tôi nghe.

Với một trình độ kém cỏi như thế thì làm sao họ có thể tự mình thực hiện một nghiên cứu khoa học cho hoàn hảo. Bởi thế, tôi không ngạc nhiên khi cả lố đoàn khảo cứu vào Quảng Ngãi mà vẫn không tìm ra căn nguyên của “bệnh lạ”. Trong tương lai, chúng ta cũng không trông chờ gì họ sẽ giải quyết được vấn đề nếu không có sự giúp đỡ của nước ngoài.

Có thể nói rằng trong hệ thống công quyền ngày nay đầy rẫy các quan chức đang ngồi nhầm chỗ. Họ chẳng những không có đủ trình độ chuyên môn mà còn thiếu nhân cách của một quan chức phục vụ dân. Bằng cấp và chức quyền đều là những món hàng có thể mua và bán. Đó là câu trả lời cho những bất cập hiện nay trong ngành y tế. Là câu trả lời tại sao cả nhúm giáo sư tiến sĩ mà không giải đáp được “bệnh lạ”. Họ là giáo sư dỏm, tiến sĩ dỏm, thì làm sao có đủ khả năng nhận ra bệnh. Hầu như trong bất cứ lĩnh vực nào trong ngành y tế cũng đều lộ diện ra những con người dỏm, bất tài. Không chỉ trong ngành y tế mà còn trong tất cả các ngành khác. Từ trên trung ương xuống dưới địa phương.

Đã bất tài thì thiếu tự tin và sĩ diện hảo. Trong khi các tổ chức quốc tế như WHO và CDC của Mỹ lên tiếng sẵn sàng giúp đỡ chúng ta điều tra về “bệnh lạ” thì Bộ Y tế khăng khăng nói họ có thể làm được mà không cần đến chuyên gia nước ngoài. Làm được mà trong 3 năm vẫn là bệnh lạ! Trong điều trị lâm sàng, chúng ta vẫn phải tham vấn các chuyên gia ngoại quốc khi gặp các trường hợp bệnh hiếm. Tôi thiết nghĩ trong trường hợp “bệnh lạ” cũng không phải là một ngoại lệ. Vậy tại sao Bộ Y tế và các giáo sư tiến sĩ của VN không tham vấn WHO và CDC? Theo tôi, chỉ có một giải thích duy nhất, đó là do họ thiếu tự tin. Họ sợ rằng khi tiếp xúc với các chuyên gia thứ thiệt ở nước ngoài, họ sẽ lộ cái dỏm, cái dốt của mình ra.

Trong khi các giáo sư tiến sĩ dấu cái dốt của mình thì cả một làng vẫn sống trong sự rủi ro. Trong khi các giáo sư tiến sĩ sợ mất sĩ diện thì người dân hoặc phải chờ cái chết hoặc phải chịu trận với “bệnh lạ”. Tại sao trong câu chuyện H5N1, các quan chức y tế sẵn sàng nhờ vả chuyên gia nước ngoài, còn trong chuyện bệnh lạ thì họ chậm trễ. Chậm trễ để dẫn đến cái chết cho người dân là một tội ác. Ai đứng ra chịu trách nhiệm cho những cái chết vì bệnh lạ ở Quảng Ngãi?

Tái bút: viết xong bài này tôi mới đọc được giả thuyết dioxin và hoá chất của Gs Tuấn.

http://www.nguyenvantuan.net/health/2-health/1502-benh-la-o-quang-ngai-vai-tro-cua-dioxin

Những hình ảnh và y văn trong bài mang tính thuyết phục cao. Nhưng nếu đúng là do độc chất thì chúng ta phải làm gì? Di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm? Có lẽ đó là giải pháp thực tế nhất.


Responses

  1. Đúng là hành xử lạ,đọc bài này mình cảm thấy buồn tủi cho dân mình quá

  2. […] “Bệnh lạ” hay cách hành xử lạ? (BS Ngọc). “Chậm trễ để dẫn đến cái chết cho người dân là một tội […]

  3. Bài của bác sĩ phản ánh rất đúng thảm trạng y tế hiện nay, tình trạng độc quyền nghiên cứu, độc quyền khám chữa bệnh dấn đến bệnh nhân trở thành những con “chuột bạch” trong phòng thí nghiệm của những người thiếu y đức??

  4. Bs.Nguyễn Văn Tuấn chỉ đưa ra giả thuyết,chứ chưa có bằng chứng
    cụ thể về bệnh lạ nói trên ở Q.Ngãi có nguyên nhân từ Dioxin.
    Sự tương đồng gọi là Chloracne giữa một chính trị gia bị đầu độc và
    dân điạ phương cũng chưa có gì chắc chắn mà chỉ là giả thuyết.Hơn
    nữa,chính trị gia kia bị đầu độc trong thời gian rất ngắn còn dioxin từ
    thuốc diệt cỏ rải cách đây 40 năm cũng gây ra 1 kết qủa tương tự thì
    xem ra chưa thuyết phục lắm mà cần nghiên cứu thêm ?
    Tôi ở Đà Nẵng trong thời kỳ Mỹ (từ 1968) rải chất diệt cỏ và hậu qủa
    nhìn thấy được là sự quăn lá của các loại rau,nhất là rau muống.

  5. “Chậm trễ để dẫn đến cái chết cho người dân là một tội ác” Đó là cảm nhận của một thày thuốc chân chính. Còn xã hội mà “Bằng cấp và chức quyền đều là những món hàng có thể mua và bán” thì ai chết mặc ai tiền này bỏ túi!

    Bác sỹ viện trưởng của một bệnh viện trung ương của VN sẵn sàng lấy tiền của dân “ngân sách” đi công tác trá hình 6 tháng sang một nước bắc âu chỉ vì cô bồ đang học bên đó, vậy thì nền y tế làm gì có đủ trình độ tìm ra nguyên nhân bệnh lạ!

  6. Từ chuyện xuất hiện “bệnh lạ” và không giãi quyết được, bác lại liên hệ đến – như là hậu quả của sự đào tạo con người. Cái chuẩn mực trong giáo dục đào tạo nói chung và đào tạo trong ngành y nói riêng đã bị xé toang từ lâu rồi bác Ngọc. Bất cứ hệ đào tạo ( chính quy, chuyên tu, tại chức, trung cấp học liên thông) đều có thể trở thành bác sĩ, thạc sĩ và tiến sĩ miễn là người đó họ làm sao đó để vào được một trường đại học. Một khi đã vào thì phải có ra, phẩm chất không quan trọng, người học làm sao có tấm giấy làm bằng là bác sĩ thì ai cũng như nhau, thạc sĩ thì oai hơn bác sĩ, và tiến sĩ thì càng oai hơn nữa. Cái xã hội VN bây giờ nó vậy, loạn đào tạo, loạn chương trình, không ai kiểm soát, các trường xin mở ngành, chương trình là cứ cho- cho các trường đào tạo thì các trường còn biết ơn cấp trên, không cho thì các trường tìm đủ mọi cách để lobby vị này, vị kia rồi thế nào cũng mở được không cần kiểm tra, xem xét liệu cơ sở có khả năng không? thêm vào với bác vài ý vậy, chúc bác khỏe

  7. Bac viet cham ma bai nao cung dang doc ca. Cam on bac!
    PS: vi dung mobile nen viet khong dau. Mong duoc thong cam!

  8. Bác Ngọc ơi! Tình trạng toàn xã hội VN bây giờ chỉ có than và than…trong bóng đêm vây phủ. Người Việt còn câm lặng chịu đựng đến bao gờ!!!

  9. Tôi luôn mong đọc bài của Bác vì bài nào cũng sâu sắc, truy vấn đến cội nguồn của vấn đề. Chúc Bác luôn khỏe mạnh để viết nhiều bài hay cho mọi người được” mở mắt “


Leave a comment

Categories