Posted by: bsngoc | 12/11/2010

Việt Nam có hay không có “văn hóa đạo văn”?

Thế là câu chuyện đạo văn lại bùng lên trên mặt báo, qua “vụ Lê đức Thông”. Lần này, màu sắc tranh luận có phần … triết lý hơn lần trước. Bà tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh viết bài trên blog cá nhân và báo Sài Gòn Tiếp Thị cho rằng đã từ lâu Việt Nam và Á châu nói chung tồn tại “văn hóa đạo văn”. Nhưng nhiều người khác phản đối, cho rằng quan điểm đó sai. Tôi thử bàn qua một chút xem sao …

Trong một bài viết gần đây, bà Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo của Đại học Quốc gia TP.HCM, cáo buộc rằng tồn tại ở Việt Nam một “Văn hoá đạo văn”. Bà còn cho rằng văn hóa đạo văn đã tồn tại lâu ở châu Á. Chú ý rằng bà ký tên dưới danh nghĩa Trường Đại học Quốc gia TPHCM. Có thể hiểu đó là quan điểm của ĐHQGTPHCM?  Nếu đúng thế thì ĐHQGTPHCM phải giải thích và trình bày chứng cứ để bảo vệ quan điểm đó. Nếu không thì ĐHQGTPHCM phải đính chính cho độc giả biết. Ở đây, tôi muốn chỉ ra rằng luận điểm của bà Vũ Thị Phương Anh sai, vì Việt Nam không có văn hóa đạo văn.

Đạo văn lại trở thành một đề tài thời sự. Vụ một bài báo khoa học của nhóm tác giả thuộc Viện Vật Lý TPHCM bị rút xuống vì đạo văn đã gây ra một làn sóng tranh luận về đạo văn với nhiều ý kiến khác nhau. Có người cho rằng ở Việt Nam tình trạng đạo văn đã bắt nguồn từ lúc tiểu học, khi học trò phải học thuộc lòng những bài văn do thầy cô chỉ định. Dần dần theo thời gian, học thuộc lòng trở thành một thói quen, một văn hóa. Bà Vũ Thị Phương Anh đi xa thêm một bước khi cho rằng “Văn hóa đạo văn” do đó đã tồn tại lâu đời ở Việt Nam và Á châu. Bà còn định nghĩa “văn hóa đạo văn” là “[…] một thói quen, một cách làm mà ai cũng thấy là bình thường, cả người vi phạm lẫn người bị vi phạm (dù tất nhiên người bị vi phạm sẽ không cảm thấy thoải mái gì cho lắm)”.

Bà Vũ Thị Phương Anh không phải là người đầu tiên nói rằng người Việt có thói quen đạo văn. Một vài học giả phương Tây cũng từng viết trên giấy trắng mực đen rằng sinh viên Á châu hay có thói quen đạo văn, tuy họ không bao giờ dám viết rằng Á châu có “Văn hóa đạo văn”. Nhưng cũng có rất nhiều chuyên gia, học giả phương Tây chỉ ra rằng những luận điểm về sinh viên Á châu đạo văn chỉ là một tuyên truyền, một kiểu rập khuôn, gắn ghép hàm ý nói xấu sinh viên châu Á.

Tôi muốn nói rằng Việt Nam không có văn hóa đạo văn. Hai chữ “Văn hóa” phải được hiểu một cách nghiêm chỉnh.

Cần phải hiểu rõ thuật ngữ “văn hóa” trước khi tố cáo Việt Nam có văn hóa đạo văn. Văn hóa theo định nghĩa chuẩn là những sản phẩm vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong tiến trình lịch sử. Gs Trần Ngọc Thêm, trong cuốn “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” đã đưa ra 4 điều kiện của văn hóa: đó là tính hệ thống, giá trị, nhân sinh lịch sử. Tính hệ thống bao gồm những tri thức, niềm tin, nghệ thuật, đạo đức, phong tục hay những thói quen mà con người tiếp nhận trong quá trình tiến hóa. Giá trị tính phản ảnh ở chữ “văn” và “hóa” trong “văn hóa”. Văn có nghĩa là đẹp, hóa là “biến thành”. Văn hóa là biến thành cái đẹp. Văn hóa do đó phải có giá trị tinh thần, giá trị đạo đức, giá trị thẩm mỹ và giá trị vật chất. Tính nhân sinh của văn hóa thể hiện nó là một hoạt động do con người sáng tạo ra, khác với tự nhiên. Sau cùng là tính lịch sử của văn hóa thể hiện ở chỗ văn hóa bao giờ cũng được tích lũy qua nhiều thế hệ. Đó là lý giải của Gs Thêm. Tôi đồng ý với những lý giải đó.

Đạo văn trong khoa bảng và học thuật có nghĩa rộng hơn là những gì bà Vũ Thị Phương Anh viết.  Theo định nghĩa của Hội giáo sư đại học Hoa Kỳ (American Association of University Professors) đạo văn có nghĩa là lấy ý tưởng, phương pháp, hay từ ngữ của người khác làm của mình, mà không ghi nhận nguồn gốc và tác giả (taking over the ideas, methods, or written words of another, without acknowledgment and with the intention that they be taken as the work of the deceiver). Có nhiều hình thức đạo văn, mà có thể ngay cả thầy cô ở các nước phương Tây cũng không hiểu. Những hình thức sau đây được xem là đạo văn: sao chép hay sửa câu văn, mã máy tính, tác phẩm nghệ thuật, hình ảnh, hay các dữ liệu từ sách, tạp chí, internet mà không ghi nguồn; sử dụng bài làm của đồng môn để nộp cho thầy cô. Trình bày báo cáo hay bài giảng bằng powerpoint ở một hội thảo có sử dụng ý tưởng, số liệu, hình ảnh, câu văn của người khác mà không ghi rõ nguồn thì có thể xem là một hình thức đạo văn. Nói tóm lại, đạo văn là một hình thức ăn cắp, cướp công, hay lấy công trình của người khác mà không ghi nguồn.

Đối chiếu khái niệm văn hóa và định nghĩa tôi trình bày trên, chúng ta dễ dàng thấy Việt Nam không tồn tại cái gọi là “văn hóa đạo văn”. Đạo văn trong tiếng Việt có nghĩa “ăn cắp”. Ăn cắp là một ý nghĩa tiêu cực, không thể xem là một nét văn hóa được. Sao chép hay lấy từ ngữ của người khác không thể nào là một thói quen mang tính hệ thống, không phải là hành vi đẹp, cho dù nó là sản phẩm của con người hay được tích lũy. Hiểu văn hóa như thế chúng ta thấy rõ ràng rằng thói quen cóp nhau trong học trò cũng không hội đủ 4 điều kiện để gọi đó là một văn hóa.

Đạo văn ở VN chưa bao giờ được chấp nhận là điều bình thường. Học trò đều biết ăn cắp văn là xấu và cố dấu diếm thầy cô việc làm sai trái đó. Không học trò nào dám nói với thầy cô rằng họ đã đạo văn cả. Học sinh nước ta có thể có thói quen học thuộc lòng bài, nhưng không ai dám nói đó là của mình. Mỗi khi phát biểu ý của ai, chúng ta vẫn nghe “Theo …” hay lấy ý của các nhà hiền triết như “Khổng Tử nói …”.

Nếu đạo văn là một văn hóa, và văn hóa là cái gì “di truyền” từ trong tâm, thì sinh viên Á châu nhận thức đạo văn là điều chấp nhận được, còn sinh viên Âu Mỹ không chấp nhận đạo văn. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn có mô tả một nghiên cứu thú vị ở Úc so sánh nhận thức về đạo văn giữa du học sinh Á châu và sinh viên Úc, kết quả cho thấy không có khác biệt nào đáng kể giữa hai nhóm sinh viên về nhận thức về đạo văn. Kết quả này cho thấy giả thuyết văn hóa đạo văn hoàn toàn không có cơ sở khoa học.

Chưa có cơ sở khoa học nào để nói rằng đạo văn trong sinh viên Á châu cao hơn sinh viên Âu Mỹ. Đạo văn không phải là một cái gì đặc thù Việt Nam. Thật vậy, tôi chưa thấy một nghiên cứu khoa học nào nói rằng tần số đạo văn trong sinh viên Á châu nhiều hơn sinh viên Âu Mỹ. Ở các nước Âu châu và Mỹ, học sinh, sinh viên cũng đạo văn rất nhiều. Có cả thầy cô, giáo sư Tây phương cũng đạo văn. Theo một nghiên cứu của Trung tâm Liêm chính trong học thuật (Center for Academic Integrity), 80% sinh viên Mỹ thú nhận từng “ăn gian” và đạo văn ít nhất một lần. Một điều tra toàn quốc Mỹ cho thấy 54% sinh viên, học sinh thú nhật đạo văn từ internet, và 74% thú nhận từng đạo văn ít nhất một lần trong năm qua. Nếu cách hiểu của bà Vũ Thị Phương Anh là chuẩn, chúng ta cũng có thể nói rằng Âu châu, Mỹ, Úc, và toàn thế giới đều có “văn hóa đạo văn”!

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đạo văn trong sinh viên và học sinh. Các chuyên gia giáo dục nước ngoài đã tiến hành nhiều nghiên cứu tìm hiểu động cơ nào dẫn đến sinh viên và học sinh đạo văn. Kết quả của những nghiên cứu này cho thấy động cơ phổ biến nhất là áp lực muốn có điểm cao trong học hành, không hiểu rõ thế nào là đạo văn, thiếu thì giờ để làm bài. Đối với sinh viên và học sinh mà tiếng Anh là ngoại ngữ, một nguyên nhân khác là do thiếu khả năng diễn đạt tiếng Anh một cách chuẩn mực. Đó chính là những nguyên nhân dẫn đến đạo văn. Vấn đề tiếng Anh cũng chính là một trong những lý do mà tác giả Lê Đức Thông đã đạo văn trong bài báo khoa học vừa bị rút xuống.

Nói tóm lại, hoàn toàn chưa có một chứng cứ khoa học nào để nói rằng đạo văn xuất phát từ thói quen học thuộc lòng. Cũng không có bất cứ một chứng cứ khoa học nào để nói rằng Việt Nam có “văn hóa đạo văn”. Đạo văn xuất phát từ kém hiểu biết về qui ước và chuẩn mực đạo đức học thuật, áp lực trong học hành và kém kỹ năng tiếng Anh.

Bà Vũ Thị Phương Anh, thay vì cáo buộc Việt Nam có “văn hóa đạo văn”, bà nên thực hiện những nghiên cứu khoa học để tìm hiểu tại sao sinh viên học sinh nước ta đạo văn, và đối chiếu với những lý do tìm thấy trong sinh viên học sinh nước ngoài. Những nghiên cứu như thế sẽ đóng góp tích cực cho giáo dục nước nhà hơn là những ý kiến không có cơ sở khoa học.


Responses

  1. Cám ơn Bsngoc đã kiến giải rằng VN không có văn hóa đạo văn. Thích nhất là câu cuối. Tôi thấy thuyết phục. Nhưng tôi phân vân về hai chữ văn hóa. Có thể nào văn hóa đều nói đến cái đẹp, cái tốt? Tôi có thể nói “văn hóa lưu manh” được không?

  2. xin loi la may minh khong go dau tieng viet duoc!

    Dinh nghia van hoa trong tieng Anh (source wiki):

    “However, the word “culture” is most commonly used in three basic senses:
    (1) Excellence of taste in the fine arts and humanities, also known as high culture

    (2) An integrated pattern of human knowledge, belief, and behavior that depends upon the capacity for symbolic thought and social learning

    (3) The set of shared attitudes, values, goals, and practices that characterizes an institution, organization or group”

    Dinh nghia cua GS Them la thuoc vao category (1) trong khi Dr PA de cap la category (2) or (3).

    – lien quan toi doanh nghiep thi co van hoa doanh nghiep (corporate culture)

    – van hoa giao thong la thoi quen tham cua nguoi tham gia giao thong. Van hoa giao thong cua nguoi viet nam la it nhuong nhin nguoi tham gia giao thong, it ton trong luat giao thong, co vuot khi den giao thong vua chuyen sang do, …

  3. @Khai: tôi chưa thấy ai nói “văn hóa lưu manh” :-). Có lẽ người ta lạm dụng từ “văn hóa” nhiều quá, nên nhìn đâu cũng thấy văn hóa chăng.

    @Tieu Sieu: tôi nghĩ định nghĩa của GS Thêm hệ thống hơn Wiki nhiều. Dù Wiki rất có ích, nhưng bàn chuyện nghiêm chỉnh không nên chỉ dựa vào Wkiki.

    Chúng ta đang bàn “văn hóa đạo văn”, cái mà tôi cho rằng không có. Cũng không có bằng chứng nào để nói VN có văn hóa đạo văn. Tôi sẽ gửi cho báo chí xem họ đăng không.

  4. Tôi nghĩ vấn đề cơ bản là cách hiểu về “Văn hóa” là gì? Tôi cũng thiên về ý kiến của bsngoc là ở Việt Nam không có văn hóa đạo văn. Tình trạng đạo văn phổ biến ở Việt nam phần lớn là do thiếu thông tin và hiểu biết về đạo văn. Qua việc tranh luận sôi nổi về chủ đề này ở nhiều diễn đàn mạng trong thời gian vừa qua, tôi nghĩ chúng ta nên đề cập đến chủ đề chính hơn là các khía cạnh cá nhân của người đặt vấn đề Có văn hóa đạo văn ở Việt Nam.

  5. Vâng, tôi cũng nghĩ như nguyennx, nên dành nhiều chữ để nói về văn hóa. Hồi đó tôi học thầy Trần Ngọc Ninh, một giáo sư y khoa nhưng rất am hiểu về văn hóa. Thầy nói đại khái rằng văn hóa là cái gì ta khác họ. Tôi có thể không nhớ kỹ câu thầy nói, nhưng chỉ nhớ ý. Tôi nghĩ cách hiểu của thầy Ninh có phần đơn giản, nhưng xúc tích. Tôi thấy GS Trần Ngọc Thêm lý giải đầy đủ hơn và khoa học hơn. Ngay cả GS Trần Quốc Vượng cũng không viết khoa học như GS Thêm. Có một người cũng rất am hiểu về văn hóa là GS Lê Thành Khôi (Pháp). Theo tôi, muốn hiểu văn hóa VN thì nên đọc GS Thêm, GS Khôi và GS Đinh Gia Khánh. Còn sách của GS Vượng thì chỉ … để tham khảo cho vui.

    Tôi thấy có một điều thú vị là người công giáo hay nói về văn hóa. Có 1 người công giáo nổi tiếng và đình đám một thời còn đòi thay đổi văn hóa VN! Không biết bà PA có phải là người công giáo hay không. Xin nói trước rằng nhận xét đó của tôi hoàn toàn không có ý phân biệt tôn giáo như Nhà nước nhé. Đó chỉ là nhận xét rất cá nhân hoàn toàn không có ý tiêu cực xuất phát từ những chỗ quen biết và bàn luận với nhiều bạn bè người công giáo mà thôi.

    Có lẽ không cần phải bàn đến nhân thân của người nói “văn hóa đạo văn” làm gì. Vấn đề là ý kiến, còn cá nhân là chuyện khác không nằm trong chủ đề đang bàn.

  6. Bài của bsngoc đã đăng trên tiasang.com.vn
    http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=110&News=3643&CategoryID=36
    nguyennx

  7. Tôi ít khi viết báo nên gửi bài chẳng ai chịu đăng. Thấy Tia Sáng cũng có bài về chuyện này nên tôi gửi thử và thấy họ tiếp nhận lịch sự hơn các báo khác. Chỉ là chuyện “mua vui cũng được một vài trống canh”.
    bsn


Leave a reply to bsngoc Cancel reply

Categories