Posted by: bsngoc | 10/04/2011

Kỷ yếu Humboldt: vài dòng điểm sách

Được quảng cáo khá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông đại chúng, cuốn sách gây sự chú ý của giới có học và quan tâm đến tình hình giáo dục đại học. Tôi cũng tiêu hơn 100.000 đồng để mua và đọc. Đọc xong cuốn sách, tôi có cảm giác lẫn lộn. Ở đây tôi xin giải bày vài cảm nghiệm mà tựu trung lại tôi muốn nói rằng cuốn sách không có chất lượng cao như hứa hẹn.

Kỷ yếu là tập hợp gần 60 bài viết của hơn 40 tác giả trong và ngoài nước. Các bài viết bàn đến rất nhiều chủ đề. Những chủ đề được bàn gồm có lịch sử giáo dục đại học, giáo dục đại học bên Mỹ, Úc, Nhật, Trung Quốc và Việt Nam. Những chủ đề này không được tổ chức theo một logic nào cả. Điểm sáng của kỷ yếu là các tác giả cung cấp cho chúng ta những thông tin về nền giáo dục đại học trên thế giới và các nước trong vùng. Có một số dữ liệu mang tính khoa học so sánh giữa Việt Nam, Thái Lan, và Úc. Bài của Trần Nam Bình và Nguyễn Đức Hiệp có số liệu cụ thể về đại học Úc rất đáng tham khảo. Bài của Nguyễn Văn Tuấn và Phạm Thị Ly so sánh năng suất khoa học và kinh tế tri thức rất thú vị nhưng đơn vị phân tích còn hạn chế. Bài viết dài nhất của tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh về lịch sử ý tưởng đại học cũng có tính học thuật và đáng đọc dù còn vài hạn chế. Đó là những bài “sáng”.

Nhưng cuốn kỷ yếu có nhiều bài tối hơn là bài sáng. Vì có quá nhiều tác giả và nhiều chủ đề khác nhau, nên nội dung cuốn kỷ yếu rất loãng. Đa số những bài viết hoàn toàn không mang tính khoa học như chúng ta kỳ vọng. Phần lớn chỉ là những bài viết cho báo phổ thông. Có những bài viết đã đăng trên báo chí phổ thông như bài của Việt Phương và Phùng Hồ Hải cũng cho vào kỷ yếu. Có bài hết sức vớ vẩn, chẳng liên quan gì đến giáo dục đại học hay Humboldt, như bài của Hà Huy Khoái viết về Ngô Bảo Châu, cũng đưa vào kỷ yếu. Toàn là những ý kiến chủ quan, chẳng có gì làm cơ sở. Ngay cả bài của giáo sư Hoàng Tụy cũng chỉ là những ý kiến rất chủ quan. Tôi cũng muốn tin vào những lý giải của giáo sư Tụy, nhưng nếu giáo sư trình bày dữ liệu thực tế thì tôi tin hơn. Có thể nói phần viết về đại học Việt Nam của các tác giả Ngô Bảo Châu, Phùng Hồ Hải, Hà Huy Khoái, Hoàng Tụy và Bùi Trọng Liễu là phần kém nhất trong kỷ yếu.

Phần viết về giáo dục đại học Úc, chỉ có bài của Trần Nam Bình và Nguyễn Đức Hiệp là đáng đọc, vì tác giả trình bày khách quan và có chứng cứ. Bài viết của Phạm Việt Hưng, “Nền khoa học Australia: Một kim tự tháp vững chắc!”, là một bài cảm tính, hô khẩu hiệu, đọc rất buồn cười. Tác giả sa vào cái bẫy sống ở xứ nào thì ca ngợi xứ đó, mà không chịu nhìn chung quanh. Giáo dục đại học của Úc có thể tốt, nhưng theo tôi hiểu đó cũng chỉ là nền giáo dục hòa trộn giữa Anh và Mỹ.

Đỉnh cao của tính phi khoa học trong kỷ yếu là bài viết “Lại lỡ một chuyến tàu” đăng trong phần mở đầu của kỷ yếu. Tác giả là Trương Văn Tân, Việt kiều Úc. Dưới dạng một lá thư gửi bạn, tác giả lý luận hết sức ngớ ngẩn rằng chỉ vì Việt Nam kém hơn Hàn Quốc, Trung Quốc, và thế là … lỡ chuyến tàu. Những đề cập đến sự cải tiến về cách trình bày slides của các nhà khoa học Trung Quốc trong bài “đỉnh” này không khỏi làm tôi phì cười. Hình như tác giả chỉ nhìn thấy cải tiến trong cách trình bày powerpoint và tiếng Anh là thể hiện sự tiến bộ khoa học. Tôi tự hỏi còn Nhật thì sao? Cho đến nay người Nhật có nói tiếng Anh hơn ai. Tôi từng dự nhiều symposium y học do giáo sư Nhật trình bày, họ nói tiếng Anh rất dở và slide của họ cũng chẳng có gì hay ho. Đâu thể lấy đó để nói Nhật không tiến bộ được. Tôi chưa thấy một lý luận nào ngớ ngẩn như bài này trong kỷ yếu. Điều này chứng tỏ ban biên tập chẳng đọc, hoặc có đọc mà chẳng thèm để ý. Có thể xem đây là một cách làm việc tùy tiện và thiếu nghiêm túc. Thất vọng lớn.

Kỷ yếu cũng có những bài … linh tinh. Ví dụ điển hình là bài của Cao Huy Thuần, Việt kiều Pháp. Bài viết lý luận hết sức lan man, khoa học không ra khoa học, văn học chẳng ra văn học, đọc đến cuối bài chẳng thấy tác giả nói lên được một điều gì. Tác giả là giáo sư ở Pháp! Điều khá buồn cười là người ta ca ngợi tác giả này lên tận mây xanh! “Cao siêu” đến độ không ai hiểu thì quả là đỉnh cao của “hậu hiện đại”.  Đây cũng chính là một ví dụ tiêu biểu về tính chung chung phi khoa học của người Việt nói chung và giới trí thức Việt nói riêng. Quả thật, điều dở nhất của những người bình luận về giáo dục ở Việt Nam là họ chỉ nói mà thiếu chứng cứ. Và, đỉnh điểm của sự thiếu chứng cứ chính là cuốn kỷ yếu này.

Cuốn kỷ yếu ra đời nhằm đánh dấu kỷ niệm 200 năm ngày thành lập Đại học Humboldt ở Berlin, Đức. Tại sao Humboldt? Tại vì ban chủ biên cho rằng Humboldt là “bà mẹ” của đại học trên thế giới ngày nay. Thú thật lần đầu tiên tôi mới biết các đại học hiện nay trên thế giới vận hành theo mô hình đại học Humboldt, vì từ xưa đến giờ, tôi vẫn nghĩ theo mô hình của Oxbridge và Sorbonne! Tác giả Nguyễn Xuân Xanh có một bài dài, nhưng chỉ là những thông tin một chiều, không thấy nói đến Oxbridge và Sorbonne. Vì thế cuốn sách vẫn không thuyết phục tôi rằng Humboldt là cái nôi của đại học trên thế giới. Tôi cho rằng đó cũng là một thất bại của cuốn sách.

Vậy kỷ yếu có bài nào đáng đọc? Trong toàn bộ cuốn kỷ yếu, chỉ có bài của Trần Nam Bình & Nguyễn Đức Hiệp, Nguyễn Văn Tuấn & Phạm Thị Ly là có thông tin mang tính khoa học. Tất cả những bài còn lại chỉ có thể xem là bài báo phổ thông, chứ không phải luận văn và chắc chắn không phải nghiên cứu. Cuốn kỷ yếu thất bại lớn ở điểm này vì thiếu tính khoa học và khó thuyết phục giới trí thức.

Kỷ yếu Humboldt là một đóng góp của hơn 40 tác giả. Tác giả là những cây viết quen thuộc trong giới trí thức như Hoàng Tụy, Bùi Trọng Liễu, Nguyễn Xuân Xanh, Trần Hữu Dũng, Nguyễn Văn Tuấn … Ban biên tập gồm Ngô Bảo Châu, Pierre Darriulat, Cao Huy Thuần, Hoàng Tụy, Nguyễn Xuân Xanh, Phạm Xuân Yêm. Tuy có đến 6 người đứng tên trong ban biên tập, nhưng qua những bài viết chúng ta thấy rõ ràng chỉ có tiến sĩ Nguyễn Xuân Xanh là người biên tập, những người còn lại chỉ là “biên tập danh dự”, tức có tên nhưng chẳng đóng góp gì. Người ta muốn mượn danh của những người có tiếng để bán sách chăng? Dù gì đi nữa, có tên trong ban biên tập mà không biên tập thì rõ ràng là một vi phạm đạo đức khoa học.

Người xưa nói đừng bao giờ đánh giá một cuốn sách qua trang bìa. Câu đó rất đúng cho cuốn Kỷ yếu Humboldt. Nhìn qua những người biên tập và tác giả chúng ta kỳ vọng rằng cuốn sách sẽ có chất lượng cao, nhưng nội dung sách phản bội lại uy tín của tác giả và ban biên tập.

BSN

PS. Bạn đọc có thể xem thêm bài giới thiệu trên Sài Gòn Tiếp Thị

http://www.sgtt.com.vn/Khoa-giao/142010/Tu-coi-nguon-dai-hoc-den-tinh-than-dai-hoc-hien-dai.html

hay Vietsciences

http://vietsciences.org/nhipcaubandoc/diemsach/kyyeuHumboldt.htm


Leave a comment

Categories